Fica
  1. Chứng Khoán

Gần 9.600 tỷ đồng trở lại với tài khoản của ông Phạm Nhật Vượng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhờ mức tăng giá mạnh mẽ của VIC trong ngày hôm qua mà giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng đã hồi phục 9.584,15 tỷ đồng.

Phiên giao dịch chiều qua (20/2) đã chứng kiến sự bứt tốc mạnh mẽ của chỉ số chính VN-Index. Đồ thị chỉ số này gần như lao dốc thẳng đứng và tăng một mạch 9,37 điểm tương ứng 1,01% lên 938,13 điểm.

Trong khi đó, diễn biến trên HNX vẫn giằng co. Kết phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,28 điểm tương ứng 0,25% lên 109,57 điểm và UPCoM-Index hồi phục lên sát đường tham chiếu, chỉ còn giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,1% còn 56,34 điểm.

Gần 9.600 tỷ đồng trở lại với tài khoản của ông Phạm Nhật Vượng - 1

Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VIC trị giá hơn 201.267 tỷ đồng

Thanh khoản đạt 198,33 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.293,55 tỷ đồng và 35,85 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 422,71 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 9,25 triệu cổ phiếu tương ứng 126,66 tỷ đồng.

Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh tăng giá. Có 402 mã tăng, 52 mã tăng trần trên toàn thị trường, áp đảo hoàn toàn so với số lượng mã giảm là 257 mã và có 30 mã giảm sàn.

Điều đáng nói hơn nữa là bên cạnh số lượng mã tăng giá chiếm ưu thế thì VN-Index còn nhận được hậu thuẫn cực kỳ lớn từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn VIC, VHM, VPB, VRE. Trong đó chỉ riêng VIC đã mang lại cho chỉ số tới 4,91 điểm.

Cụ thể, hôm qua, VIC tăng giá mạnh tới 5.000 đồng tương ứng 4,76% lên 110.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã này có chuỗi giao dịch không mấy thuần lợi và có lúc đã lùi về mức giá 104.500 đồng (ở phiên 18/2), mức giá thấp nhất trong 52 tuần giao dịch.

Nhờ mức tăng giá mạnh mẽ của VIC trong phiên này mà giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đã hồi phục 9.584,15 tỷ đồng. Hiện tại, ông Vượng đang sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VIC, tổng giá trị 201.267 tỷ đồng.

Mới đây, theo thông báo của HSX, gần 13,86 triệu cổ phiếu VIC phát hành hoán đổi cổ phiếu SDI của Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đông sẽ được giao dịch kể từ 24/2 tới. Tổng số lượng chứng khoán VIC sau khi thay đổi niêm yết đạt hơn 3,38 tỷ cổ phiếu.

Vingroup đã tiến hành nhận sáp nhập Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng vào hồi cuối năm ngoái theo tỷ lệ 1,1:1 (1,1 cổ phiếu VIC đổi 1 cổ phiếu SDI) để trở thành công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ SDI.

Phiên hôm qua, đóng góp của VHM cũng rất đáng kể với 0,87 điểm; VPB đóng góp 0,54 điểm; VRE đóng góp 0,51 điểm. Ngoài ra, HPG, SAB, POW, MSN, BVH cũng tăng. LGC tăng trần và theo đó nằm trong nhóm 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index.

Ở chiều ngược lại, TCB, CTG, GTN, CTD, STB, EIB giảm giá, tuy nhiên mức tác động của những mã này lên diễn biến chung thị trường không đáng kể và chưa thể làm khó được VN-Index.

Theo nhận định của BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 940-943 điểm trong phiên cuối tuần.

Dù vậy, về tổng thể, nhóm phân tích vẫn cho rằng thị trường vẫn sẽ dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 920-925 điểm và cận trên 940- 943 điểm trong ngắn hạn.

Chỉ số có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể kỳ vọng bứt phá thành công qua cận trên của kênh giá này và bước vào nhịp tăng điểm mới trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là áp lực bán ròng của khối ngoại.

Nhóm phân tích cho rằng, thời điểm hiện tại, chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét bán một phần vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 940-943 điểm.

Trong kịch bản thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự như đã đề cập, nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.

Mai Chi