Fica
  1. Chứng Khoán

FLC lập đỉnh 9 năm, đại gia Trịnh Văn Quyết đang có bao nhiêu tiền?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bất chấp biến động mạnh của thị trường trong tuần qua, FLC vẫn tăng hơn 15% thiết lập mức đỉnh giá 15.150 đồng, cao nhất 9 năm kể từ năm 2012.

Cổ phiếu FLC "vượt bão", tài khoản ông Trịnh Văn Quyết tăng

Đúng như dự báo của giới phân tích, tuần qua, thị trường chứng khoán đã trải qua những phiên giao dịch đầy biến động. Nguyên nhân là trong tuần diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Fed công bố kế hoạch điều chỉnh lãi suất; diễn biến giá dầu thế giới; đáo hạn phái sinh và các quỹ ETF cơ cấu danh mục.

Tuy nhiên, bất chấp thị trường rung lắc, cổ phiếu tài chính và nhóm VN30 có lúc bị bán mạnh thì "họ" FLC lại có một tuần thuận lợi. Riêng FLC có 4 phiên liên tục tăng giá với tổng mức tăng trong một tuần qua là 15,2%. Mức giá 15.150 đồng của FLC cũng là mức đỉnh giá của cổ phiếu này trong vòng 9 năm qua kể từ năm 2012.

ROS cũng có mức tăng mạnh trong hai ngày 16/6 và 17/6, tuy nhiên, tổng mức tăng của mã này trong tuần chỉ là 4,32% và vẫn giảm 3,71% trong vòng một tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết đang nắm khoảng 215,4 triệu cổ phiếu FLC; 23,7 triệu cổ phiếu ROS; hơn 7 triệu cổ phiếu GAB, hơn 3 triệu cổ phiếu ART. Tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này là 4.832 tỷ đồng.

FLC lập đỉnh 9 năm, đại gia Trịnh Văn Quyết đang có bao nhiêu tiền? - 1

Diễn biến giá cổ phiếu FLC (Ảnh chụp màn hình: Stockbiz).

VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại, cổ phiếu Vingroup bất ngờ mất "ngôi vương"

Bất chấp những lo ngại về đáo hạn phái sinh ở phiên 17/6, kế đến ở phiên 18/6 là phiên cơ cấu danh mục của quỹ ETF, VN-Index vẫn vượt qua mọi trở ngại với mức tăng vô cùng ấn tượng. Kết phiên, chỉ số chính tăng 17,85 điểm tương ứng 1,31% lên 1.377,77 điểm và chính thức lập đỉnh mới mọi thời đại của chỉ số này.

Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục hỗ trợ đáng kể cho chỉ số. Trong đó, VCB mang lại cho VN-Index 4,36 điểm, VHM đóng góp 3,2 điểm và MSN đóng góp 1,12 điểm. SAB, TCB, CTG, HPG, VNM cũng là những "công thần" của chỉ số chính.

Phiên này, VCB tăng 4,1% lên 108.500 đồng/cổ phiếu trong khi đó, VIC chỉ tăng nhẹ 0,3% lên 117.400 đồng. Với diễn biến này, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã chính thức vượt VIC của Vingroup về giá trị vốn hóa thị trường.

Cụ thể, tính tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch 18/6, vốn hóa thị trường của VCB đạt 402.413 tỷ đồng, vượt qua VIC với vốn hóa 397.097 tỷ đồng, để trở thành cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất. 

FLC lập đỉnh 9 năm, đại gia Trịnh Văn Quyết đang có bao nhiêu tiền? - 2

Biến động VN-Index trong 1 tuần qua (Ảnh: Tradingview).

Chứng khoán gay cấn như "đánh trận", được nhà, mất xe trong gang tấc

Thị trường chứng khoán vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 17/6 thì sắc đỏ đã bao trùm khắp các sàn, chỉ số lao dốc. Tuy nhiên, đáng nói là nhà đầu tư vẫn bị "bịt mắt" và dò dẫm đoán tình hình.

Bảng giá của một số công ty chứng khoán hoàn toàn đơ, nghẽn khiến nhà đầu tư không thể cập nhật diễn biến thị trường cũng như không rõ cổ phiếu mình nắm giữ đang diễn biến ra sao.

Đó là những trải nghiệm không mấy dễ chịu khi thị trường phiên này được cho là sẽ biến động mạnh do đáo hạn phái sinh cùng với ảnh hưởng về mặt tâm lý từ diễn biến trên thị trường tài chính và hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, qua 20 phút đầu, áp lực bán giảm dần đã giúp thị trường hồi phục đáng kể. Tới phiên chiều, VN-Index có lúc đạt 1.364 điểm trước khi thu hẹp ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), ấn định tăng 3,4 điểm tương ứng 0,25% lên 1.359,92 điểm.

VN-Index phiên 17/6 có biên độ dao động trong khoảng 20 điểm. Theo đó, với những nhà đầu tư kịp bắt đáy cổ phiếu ở đầu phiên và bán ra một lượng tương ứng cổ phiếu có sẵn trong danh mục ở vùng giá cao cuối phiên (lướt T0) đã có thể thu lãi đậm, nhất là với những nhà đầu tư có giá trị tài khoản (NAV) lớn.

Trong khi có những người "không chịu được nhiệt" đã bán cắt lỗ cổ phiếu đầu phiên sáng thì cũng có người khoe lãi hàng tỷ đồng khi danh mục có những cổ phiếu bứt tốc tăng trần vào cuối phiên.

Tin đồn thanh tra thao túng giá, cổ phiếu ngân hàng "lĩnh đòn"

Phiên giao dịch ngày 15/6, nhiều cổ phiếu ngân hàng bị chốt lãi mạnh và giảm sâu phần nào đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung. VPB giảm 6,2% (mã này có lúc giảm sàn); LPB giảm 5,5%; SHB giảm 4,1%; SSB giảm 4%; PGB giảm 3,8%; OCB giảm 2,4%; OCB giảm 2,3%; NAB giảm 2,3%; VBB giảm 2%...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mã ngân hàng giảm mạnh ngoại yếu tố chốt lời còn do có tin đồn một số mã bị thanh tra về việc thao túng giá. Tuy nhiên, trên thực tế chưa hề có thông tin chính thức nào từ phía cơ quan chức năng.

Tin chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN ) chỉ cho thấy rằng, cơ quan này mới ban hành quyết định xử phạt một số cá nhân do vi phạm quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đơn cử như ngày 9/6 xử phạt bà Nguyễn Thị Nguyệt - người có liên quan của ông Dương Công Toàn - Phó Chủ tịch LietVietPostBank, vì không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch mua vào 15.000 cổ phiếu LPB hồi đầu năm.

Cùng ngày, UBCKNN cũng xử phạt hành chính bà Võ Thị Cẩm Hồng (người có liên quan đến ông Võ Anh Nhuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank) do hồi tháng một bà này bán ra 8.000 cổ phiếu STB nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. 

Mai Chi (tổng hợp)