Các chiến lược gia cho rằng vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dù họ có thể phải lựa chọn nhiều hơn (Ảnh: Getty). |
Chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên đầu tuần giảm hơn 16% so với hồi đầu năm và mất gần 12% chỉ trong những ngày đầu của quý II. Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu Stoxx 600 cũng giảm 13% trong năm nay. Trong khi đó, chỉ số MSCI châu Á giảm hơn 16%.
Các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro do nhiều yếu tố như lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm, chiến sự ở Ukraine và cú sốc cung từ Trung Quốc và quan trọng nhất là viễn cảnh tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm kiềm chế sự leo thang của giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, nói với CNBC, các chiến lược gia cho rằng vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dù họ có thể phải lựa chọn nhiều hơn.
“Rõ ràng thị trường có rất nhiều nỗi sợ hãi và biến động lớn. Tôi không nghĩ chúng ta đang ở mức đầu hàng hoàn toàn, ít nhất là bằng các biện pháp mà chúng ta đang tuân theo. Tôi không cho ràng chúng ta đang rơi vào thị trường giảm giá lúc này”, ông Fahad Kamal, giám đốc đầu tư tại Kleinwort Hambros, nói với CNBC.
Ông Kamal cho rằng các tín hiệu về bối cảnh kinh tế “mạnh mẽ hợp lý” và hầu hết là thúc đẩy thu nhập, bù đắp cho việc tăng lãi suất và lo ngại lạm phát, có nghĩa là rất khó có khả năng xuất hiện thị trường gấu (thị trường đi xuống).
Theo ông, có nhiều lý do để nghĩ rằng mọi thứ sẽ không thể tồi tệ hơn. Một trong số đó là mô hình kinh tế vững chắc. Nghĩa là “nếu bạn muốn có một công việc, bạn có thể tìm được; Nếu bạn muốn huy động tiền bạn cũng có thể làm được hay nếu bạn muốn vay tiền, bạn cũng có thể vay dù lãi có cao hơn chút”, ông nói.
Điều đó có nghĩa là bối cảnh kinh tế vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn. Hầu hết các nhà kinh tế vẫn chưa đưa ra dự báo về suy thoái kinh tế, nhưng thừa nhận định giá cổ phiếu vẫn không hề rẻ.
“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều hỗ trợ đối với nền kinh tế và đó là lý do tại sao chúng tôi không cắt giảm rủi ro và không hoàn toàn đứng ngoài lề”, ông nói.
Tương tự, bà Monica Defend, người đứng đầu Viện Amundi, cũng cho rằng một khi lãi suất thực - lãi suất thị trường được điều chỉnh theo lạm phát - tiếp tục tăng thì các tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bà không cho sự di cư ồ ạt của các nhà đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán gần đây là điển hình của một thị trường downtrend kéo dài. Theo bà, nhiều nhà đầu tư sẽ muốn tham gia lại thị trường khi biến động giảm bớt.
Nhật Linh
Theo CNBC