Áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều và lan rộng trên toàn thị trường đã lập tức đẩy các chỉ số bị lún sâu vào tình trạng giảm điểm.
Trên sàn HSX, với số mã giảm lên tới 231 mã, gấp 3,5 lần so với số mã tăng, chỉ số VN-Index đóng cửa ghi nhận mức sụt giảm tới 18,39 điểm tương ứng 1,93% còn 933,65 điểm. HNX-Index cũng mất 1,64 điểm tương ứng 1,54% còn 105,01 điểm.
Bên cạnh việc độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía cổ phiếu giảm giá thì việc các mã lớn giảm sâu cũng gây tác động tiêu cực lên diễn biến VN-Index. Cụ thể, trong phiên này, riêng VHM đã khiến VN-Index giảm 2,38 điểm. Thêm vào đó, VCB góp 1,89 điểm; GAS góp vào 1,66 điểm; TCB góp vào 1,35 điểm; MSN góp vào 1,26 điểm và PLX góp vào trên 1,2 điểm trong mức giảm chung.
Giá trị tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Tài sụt mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần
Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, mất 2.900 đồng tương ứng 3,3% còn 85.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, ở mức giá này, cổ phiếu MWG đã mất 13,3% giá trị trong vòng 1 năm qua và giảm 7,1% sau 3 tháng giao dịch.
Với diễn biến tiêu cực của MWG, ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài – ông chủ Thế Giới Di Động đã mất 181,5 tỷ đồng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần. Ông Tài đang trực tiếp nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu MWG và sở hữu gián tiếp hơn 51,5 triệu cổ phiếu này thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ.
Một thông tin khá bất ngờ đối với người tiêu dùng đó là mới đây trang thương mại điện tử VuiVui.com của Thế Giới Di Động đã lặng lẽ đóng cửa từ 18h ngày 27/11/2018. Cụ thể, trang này tự động chuyển thành Bachhoaxanh.com trong vòng nửa tháng qua.
VuiVui.com đã chính thức dừng "cuộc dạo chơi" trong lĩnh vực "đốt tiền" là thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình)
VuiVui.com ra đời từ đầu năm 2017 và từng được ông Nguyễn Đức Tài kỳ vọng có thể sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, trở thành đơn vị dẫn đầu ngành thương mại điện tử năm 2020.
Trang thương mại điện tử này tập trung vào các mặt hàng thời trang, nhu yếu phẩm, tạp hoá, trong đó mỗi nhãn hàng chỉ có 1 nhà cung cấp được xuất hiện nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ.
Điểm khác biệt mà đại gia Nguyễn Đức Tài muốn tạo ra cho VuiVui.com chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, ông chủ Thế Giới Di Động từng cho biết muốn “thay đổi quan điểm online chỉ có rẻ” mà còn được đảm bảo về bảo hành, hàng chính hãng 100% và đền bù gấp đôi nếu mua phải hàng nhái.
Rất tiếc, sau gần 2 năm triển khai và chưa kịp phổ biến cả nước thì VuiVui.com đã phải đóng cửa, chính thức dừng lại “cuộc chơi đốt tiền” trong lĩnh vực thương mại điện tử, chiến trường mà các đơn vị tham gia nếu không bỏ cuộc thì cũng chật vật trong thua lỗ.
Đưa ra nhận định về phiên giao dịch này, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực giảm của thị trường xảy ra ngay từ đầu phiên và có dấu hiệu tăng mạnh dần về cuối phiên. Đây là tín hiệu không tốt đối với diễn biến của thị trường trong phiên kế tiếp.
Thanh khoản đạt 143 triệu cổ phiếu, tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình. Độ rộng thị trường tiêu cực với sự bao phủ rộng của số mã giảm điểm. Tâm lý thận trọng, lo ngại của nhà đầu tư về khả năng tiếp tục sụt giảm của thị trường trong ngắn hạn đã khiến cho áp lực bán tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Theo BVSC, tương quan cung cầu có thể sẽ trở nên cân bằng hơn trong một vài phiên kế tiếp khi mà thị trường về đến các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Chuyên gia phân tích BVSC lo ngại, dư địa giảm điểm của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn và chỉ số nhiều khả năng sẽ lùi về vùng hỗ trợ 915-925 điểm trong một vài phiên tới. Phản ứng hồi phục của thị trường được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này.
Nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng danh mục tổng về mức 35-45% cổ phiếu trong giai đoạn này. Các nhịp hồi phục của thị trường trong những phiên tới được xem là cơ hội bán giảm tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Mai Chi