Chỉ số Dow Jones chốt phiên ngày 16/12 mất 281,76 điểm, tương đương 0,85%, xuống 32.920,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,11% xuống còn 3.852,36 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 0,97% xuống 10.705,41 điểm.
Chỉ số Dow Jones giảm tiếp hơn 200 điểm, đánh dấu tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp (Nguồn: CNBC). |
Các chỉ số ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp, với S&P 500 giảm 2,08% trong tuần, nâng mức giảm trong tháng 12 của chỉ số này lên 5,58% do hy vọng phục hồi vào cuối năm không thành. Chỉ số Dow và Nasdaq lần lượt giảm 1,7% và 2,7% so với tuần trước.
Phiên giao dịch hôm qua biến động mạnh khi một lượng lớn quyền chọn đến hạn. Theo Goldman Sachs, có 2.600 tỷ USD giá trị quyền chọn sắp hết hạn, mức cao nhất so với quy mô thị trường chứng khoán trong gần 2 năm. Trong phiên, có thời điểm, chỉ số Dow Jones giảm 547,63 điểm, tuy nhiên sau đó phục hồi và thu hẹp mức giảm.
Đà bán tháo diễn ra trên diện rộng. Trên sàn giao dịch New York cứ 1 cổ phiếu tăng có 3 cổ phiếu giảm. Có thời điểm, chỉ có 10 mã trong rổ S&P 500 là diễn biến trong phạm vi tích cực. Các mã trong nhóm ngành bất động sản và tiêu dùng thiết yếu có mức giảm lớn nhất, lần lượt giảm gần 3% và 1,7%.
Diễn biến tuần qua của chứng khoán Mỹ (Nguồn: CNBC). |
Thị trường chứng khoán sụt mạnh trong tuần này là sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,5% lên mức cao nhất trong 15 năm. Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 lên mức 5,1%, cao hơn so với con số dự kiến trước đây.
Kim Forrest, người sáng lập Bokeh Capital cho biết: “Hôm đầu tuần, chúng tôi đã hy vọng, với số liệu CPI rất thấp, Fed và có thể cả các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ bớt diều hâu hơn”.
“Nhưng họ đã không làm như vậy và họ đã có những phát ngôn rằng sẽ tập trung đưa lạm phát giảm nhanh. Điều đó khiến chúng tôi không hy vọng nhiều vào một cuộc hạ cánh mềm”, Forrest nói thêm.
Nhật Linh
Theo CNBC