Cuối cùng, sau chuỗi phiên giao dịch giằng co đầy cảm xúc, chỉ số VN-Index cũng đã một lần nữa chính thức chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm trong phiên hôm qua (30/10).
Dù không đóng cửa ở mức cao nhất song chỉ số sàn HSX vẫn khép lại ngày giao dịch 30/10 với mức tăng khá mạnh 5,02 điểm tương ứng 0,5% lên 1000,89 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số cũng bật tăng 1,21 điểm tương ứng 1,15% lên 105,89 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,19% xuống 56,26 điểm.
Mặc dù là một phiên thăng hoa của chỉ số song thanh khoản hôm qua lại không có sự đột phá đáng kể nào.
Trên HSX, khối lượng giao dịch chỉ dừng ở 181,19 triệu cổ phiếu tương ứng 3.686,95 tỷ đồng và con số này trên HNX là 27,4 triệu cổ phiếu tương ứng 382,51 tỷ đồng, UPCoM là 7,59 triệu cổ phiếu tương ứng 144,46 tỷ đồng.
Toàn thị trường vẫn có 855 mã không diễn ra giao dịch. Trong khi đó, độ rộng thị trường nghiêng về phía mã tăng: Có 314 mã tăng, 47 mã tăng trần so với 288 mã giảm và 23 mã giảm sàn.
Chỉ số nhận được hỗ trợ đáng kể của loạt cổ phiếu vốn hoá lớn là VIC, VCB, VHM. Các mã này đóng góp lần lượt 1,77 điểm; 1,52 điểm và 1,18 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, GAS, VRE, PLX tăng giá cũng có tác động tích cực, ngược lại với tình trạng giảm giá tại VNM, BID, MWG, HPG.
Trên HNX, nhờ ACB tăng giá mạnh nên chỉ số sàn này cũng nhận được hỗ trợ lên tới 0,98 điểm từ ACB.
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng định hướng chuyển đổi thành công ty công nghệ
Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm qua tăng mạnh 1.800 tương ứng 1,53% lên mức giá 119.600 đồng. Một thông tin đáng chú ý với nhà đầu tư là hôm qua, Vingroup cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III.
Theo đó, trong kỳ, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 31.571 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 35% so cùng kỳ. Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của Vingroup đã xuất hiện nguồn thu hoạt động sản xuất đạt 2.120 tỷ đồng nhờ bàn giao xe VinFast.
Tuy vậy, hoạt động tài trợ cho dự án nhà máy VinFast cũng đã góp phần làm tăng gánh nặng tài chính đối với Vingroup, chi phí tài chính tăng 91% so cùng kỳ lên gần 2.500 tỷ đồng.
Kết quả, lãi sau thuế trong quý III của Vingroup đạt 712 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của tập đoàn này ở mức 92.614 tỷ đồng (tăng 10% so cùng kỳ) và lãi sau thuế 4.112 tỷ đồng (tăng 41%).
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index tạm vượt lên trên ngưỡng 1.000 điểm với sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chuyên gia phân tích từ VDSC cho rằng, chỉ số có thể vẫn sẽ giằng co xung quanh ngưỡng này trước khi có sự bứt phá đáng kể hơn.
Theo đó, VDSC cho rằng, sự lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn sẽ là yếu tố quyết định thắng/thua chứ không phải chuyện VN-Index nằm trên hay dưới ngưỡng 1.000 điểm.
Còn tại báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các chuyên gia nhận định, thị trường dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể bởi kết quả cuộc họp chính sách của FED dự kiến sẽ được công bố vào rạng sáng nay. Hiện tại, BVSC vẫn đang thiên về kịch bản FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong kỳ họp lần này (xác suất 70%), qua đó sẽ hỗ trợ cho diễn biến tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.
Về mặt xu hướng của VN-Index, chỉ số đang có chuyển biến theo hướng tích cực và nhiều khả năng sẽ sớm bứt phá hoàn toàn qua vùng kháng cự mạnh 1000-1004 điểm để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường sẽ còn chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 của các quỹ đầu tư benchmark theo rổ chỉ số VN30 trong những phiên cuối tuần bên cạnh kết quả cuộc họp của FED.
Mai Chi