Fica
  1. Chứng Khoán

Điểm danh những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2023, trong đó, điểm sáng đến từ kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Vì vậy, các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan như xây dựng, xây lắp, vật liệu xây dựng… đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm để tìm cơ hội đầu tư.

Kỳ vọng bùng nổ giải ngân đầu tư công

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2022, nhóm cổ phiếu đầu tư công - vốn dĩ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, lại có thêm pha trình diễn về mức tăng giá tích cực. KSB bật trần, lan tỏa đến nhiều cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ đầu tư công như DHA, LCG, FCN, HHV, BCC, HT1, C4G, PLC…

Đây là nhóm cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán đánh giá đang ở vùng giá hấp dẫn, mang lại cơ hội cho nhà đầu tư với triển vọng dài hạn trong các năm tới. Luận điểm chính đến từ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP thông qua đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng và giao thông. Năm 2023, dự báo đầu tư công sẽ được đẩy mạnh - là tiền đề để kéo theo sự tăng tăng trưởng của các nhóm ngành liên quan như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023, với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng giao thông là một trong những trọng điểm của kế hoạch đầu tư công năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản yêu cầu một số địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, Bộ này đã phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài gần 724 km, rút ngắn 50% thời gian chuẩn bị đầu tư dự án so với trước đây, kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.

Hạ tầng khu bay dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được khởi công đồng bộ trong tháng 12/2022. Bên cạnh đó, các dự án cao tốc giai đoạn 1 tiếp tục được hoàn thành.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam, VinaCapital cho rằng, cùng với quyết tâm và tiến độ cụ thể ở các dự án trọng điểm, tốc độ giải ngân năm 2023 sẽ nhanh hơn và áp lực chi phí xây dựng giảm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công cho biết, các chuyên gia trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5%.

Theo ông Trung, để đạt được mục tiêu đó thì đầu tư công phải được thúc đẩy và giải ngân mạnh cho năm 2023. Nhìn lại năm 2022, đầu tư công chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch. Kỳ vọng, năm 2023, đầu tư công sẽ tạo ra cú huých cho tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế thể hiện rõ ở việc công bố dự toán ngân sách năm 2023, với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công đầy tham vọng. Để thực hiện kế hoạch, Chính phủ đã nới lỏng mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 lên 4,5%, cao hơn mức 4% của năm 2022, đồng thời dự báo mức thâm hụt ngân sách cao hơn.

“Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công, với kế hoạch giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng trong năm 2023 sẽ là bệ phóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hành trình trở lại của các doanh nghiệp”, lãnh đạo Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) kỳ vọng.

Theo lãnh đạo KSB, ngành khai thác vật liệu xây dựng tiếp tục được kỳ vọng cao trong thời gian tới nhờ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các công trình cầu đường, xây dựng hạ tầng và thị trường miền Nam phục hồi sau dịch Covid-19.

Nhận diện doanh nghiệp hưởng lợi

Nhóm cổ phiếu đầu tư công đang được hưởng lợi lớn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực, bởi đây là cơ hội tăng trưởng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường), xây lắp…, đặc biệt là ở các khu vực kinh tế trọng điểm và có dự án lớn.

Cụ thể, ở khu vực phía Nam, với các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc Nam (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và dự án xây dựng Sân bay Long Thành… sẽ khiến nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng tốt, đồng thời kéo theo nhu cầu xây dựng hạ tầng vệ tinh.

Ở nhóm vật liệu xây dựng, có khá nhiều tên tuổi đầu ngành được nhắc đến như nhựa là BMP, thép có HPG, NKG, nhựa đường có PLC, xi măng có BCC, HT1, đá xây dựng có các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá trữ lượng lớn như KSB, DHA, C32, VLB…

Với riêng lĩnh vực đá xây dựng, chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, hướng nhìn tập trung về dự án Sân bay Long Thành, những doanh nghiệp có mỏ đá nằm gần khu vực này sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng đá tốt, vì đặc thù trong ngành đá xây dựng là chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2030.

Theo VNDIRECT, các công ty niêm yết đang sở hữu những mỏ đá chất lượng cao với vị trí thuận lợi sẽ là nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, đặc biệt là cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân (do KSB, DHA, VLB và DND sở hữu). Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023 - 2024.

Chẳng hạn, KSB đang khai thác các mỏ đá Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Thiện Tân 7 (Đồng Nai), Gò Trường (Thanh Hóa). Vị trí các mỏ đá này đều nằm gần các dự án cao tốc và chất lượng sản phẩm tốt, là điều kiện thuận lợi cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh của KSB.

Nhằm đáp ứng nhu cầu và đón đầu cơ hội từ các dự án phát triển hạ tầng giao thông đẩy mạnh trong thời gian tới, KSB cũng đã có kế hoạch mở rộng, tăng công suất khai thác các mỏ đá ở khu vực Bình Dương, khai thác sâu hơn ở các mỏ hiện hữu.

Ngoài ra, KSB có kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ đá có trữ lượng lớn và tốt nhất khu vực Đông Nam Bộ.

Với lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, KSB đang thực hiện thủ tục pháp lý để tiến hành mở rộng Khu công nghiệp KSB từ 340 ha lên 553 ha. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới tại Đồng Nai, Bình Dương để gia tăng quỹ đất kinh doanh cho những năm tiếp theo.

Lãnh đạo KSB cho biết, cùng với sản xuất vật liệu xây dựng, KSB xác định bất động sản công nghiệp sẽ là một trong hai trụ cột mang lại doanh thu lớn và bền vững trong những năm tới cho Công ty.

Theo Nhã An

Đầu tư Chứng khoán

Nguồn: Tin nhanh Chứng khoán
Tin liên quan