Trong phiên sáng nay (14/5), thị trường giảm nhiệt. VN-Index mất 2,89 điểm, tương ứng 0,35% còn 831,32 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,42 điểm, tương ứng 0,37% còn 111,45 điểm; UPCoM-Index giảm 0,19 điểm, tương ứng 0,36% còn 53,54 điểm.
Thanh khoản có phần đuối hơn những phiên trước. HSX ghi nhận 182,01 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 2.906,15 tỷ đồng; HNX có 36,44 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 243,41 tỷ đồng và UPCoM có 12,59 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 134,45 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về phía các mã giảm. Có 334 mã giảm giá, 31 mã giảm sàn trên cả 3 sàn giao dịch, trong khi đó phía tăng có 286 mã và có 51 mã tăng trần.
Rổ VN30 có tới 20 mã giảm giá trong khi chỉ 8 mã tăng điều này đã khiến chỉ số VN30-Index thiệt hại nặng hơn so với VN-Index. Cụ thể, VN30-Index mất 4,74 điểm, tương ứng 0,6% trong sáng nay.
PVX chưa thể thoát khỏi "vũng lầy" thua lỗ từ thời Trịnh Xuân Thanh
Nhiều bluechip bị bán ra và giảm giá. VJC giảm 1.400 đồng còn 113.500 đồng; BHN giảm 1.000 đồng còn 55.500 đồng, MWG giảm 1.000 đồng còn 82.900 đồng, PNJ giảm 1.000 đồng còn 63.900 đồng; VHM, GAS, MSN, VPB, VRE, TCB, SAB, HPG, VIC đều đang trong tình trạng giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những mã này lên chỉ số không quá lớn.
Trong khi đó, thị trường vẫn ghi nhận trạng thái tăng tại VCB, STB, TPB, VCI, BID… nhưng với mức tăng nhẹ, những cổ phiếu này không ảnh hưởng lớn lên VN-Index.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đứng giá tham chiếu 900 đồng. Khối lượng khớp lệnh của mã này trong sáng nay rất cao, đạt gần 9,3 triệu đơn vị.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa ra quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với mã cổ phiếu này kể từ ngày 9/6 và ngày giao dịch cuối cùng của PVX trên HNX là ngày 8/6.
Lý do không nằm ngoài dự đoán, đó là việc PVX bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất vào riêng năm 2019 của tổng công ty này. Do đó, PVX thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định 58 năm 2012.
Kiểm toán viên đã dẫn ra hàng loạt cơ sở để từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của PVX. Trong đó, theo thuyết minh báo cáo tài chính, lỗ lũy kế hợp nhất của PVX tính đến ngày 31/12/2019 khoảng 3.898,6 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng.
PVX đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán của PVX tại ngày 31/12/2019 chủ yếu là số dư gốc vay khoảng 1.011,3 tỷ đồng
Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVX. Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty này phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình đang dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.
“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các kế hoạch hoạt động này. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo được lập với giả định tổng công ty sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không”, kiểm toán viên Deloitte cho hay.
Trở lại với thị trường chứng khoán, chuyên gia phân tích tại Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể quay trở lại đà tăng và VN-Index có thể sẽ tiếp tục hướng về vùng mục tiêu 898 – 939 điểm.
Đồng thời, dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra mà dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm midcap và smallcap.
Ngoài ra, YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan với xu hướng hiện tại.
Mai Chi