Chỉ số VN-Index diễn biến như tàu lượn siêu tốc ở phiên sáng và "đơ toàn tập" phiên chiều
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trong phiên giao dịch hôm qua tỏ ra chán nản khi các chỉ số rung lắc mạnh, giá cổ phiếu về vùng giá thấp nhưng không thể giao dịch mua - bán, thế nhưng, thanh khoản thị trường vẫn duy trì rất cao.
Các nhà đầu tư phản ánh, các lệnh đặt mua và đặt bán của họ tại một số công ty chứng khoán bị "treo". Lệnh luôn trong trạng thái "đang gửi" tới Sở HSX mà không được khớp. Theo đó, cơ hội chốt lời hay mua vào cổ phiếu giá thấp đều không thực hiện được, nhà đầu tư khó tránh thiệt hại.
Chị Trần Mai Xuân, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội cho biết, tại thời điểm cổ phiếu GVR bị bán giá sàn, chị đặt lệnh mua nhưng không mua được, kết quả là mã này đóng cửa đã hồi phục về 23.500 đồng.
Thực tế, tình trạng "nghẽn" giao dịch hay tình trạng chốt lời phần nào đã nằm trong dự liệu của các nhà đầu tư. Thời gian qua, VN-Index tăng nóng, nhiều cổ phiếu tăng mạnh giúp không ít nhà đầu tư tăng gấp 2, gấp 3 lần giá trị tài khoản nên khi việc nhà đầu tư cố gắng chốt lãi là dễ hiểu.
Trong một số phiên giao dịch vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã áp dụng lệnh MP trên sàn HSX nhằm mua cổ phiếu ở mức bán thấp nhất và bán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, khi tình trạng quá tải xảy ra thì nhà đầu tư đành lực bất tòng tâm nhìn số liệu trên bảng giá "trôi".
Điều đáng nói là trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ "kêu gào" bị "treo lệnh", "kẹt lệnh" nhưng tổng kết lại, HSX vẫn ghi nhận có 757,31 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị giao dịch đạt 14.181,3 tỷ đồng.
Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 132,74 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 1.431,58 tỷ đồng và trên UPCoM, con số này là 54,54 triệu đơn vị tương ứng 804,1 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu trong rổ Vn30 ngày hôm qua bị bán khá mạnh, có lúc giảm sàn. Cụ thể là SBT đóng cửa giảm 3,3% và có lúc giảm sàn về 19.750 đồng ở trong phiên; EIB giảm 2,6% và cũng có lúc bị giao dịch mức giá sàn 18.150 đồng. SSI bị ngắt mạch tăng nóng với mức giảm 1,6% và trong phiên có lúc lùi về mức giá 26.800 đồng.
Một loạt "ông lớn" giảm giá: BID mất 2,4% còn 45.500 đồng; TCB giảm 2,6% còn 27.950 đồng; VRE giảm 2,1% còn 29.950 đồng; VNM giảm 1,4% còn 108.700 đồng; VHM giảm 1,3% còn 86.300 đồng; MWG giảm 1,2% còn 116.700 đồng. VCB giảm nhẹ 0,2%; GAS giảm 0,9%; MSN và HPG cùng giảm 0,1%.
Ngược lại, SAB vẫn tăng 0,5% lên 198.000 đồng và VJC tăng 0,3% lên 123.000 đồng. VIC và ROS đứng tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu nằm sàn la liệt
Nhóm penny những phiên trước hút dòng tiền thì hôm qua bị "đạp" thẳng xuống mức giá sàn. Hàng loạt mã khoác màu xanh xám trên bảng điện. EMC, CRC, DTA, HOT, LGC, MDG, TLD, HQC, TGG, TTE, LCM… đồng loạt giảm sàn, nhiều mã trắng bên mua.
Một số mã không đóng cửa mức giá sàn nhưng cũng giảm sâu. ASM giảm 5,9%, DLG giảm 5,6%; IDI giảm 5,3%... Những mã này đã được bắt đáy khá mạnh và lực bắt đáy giúp cổ phiếu thoát sàn.
Theo các chuyên gia phân tích tại SHS, đây là phiên thứ ba liên tiếp thị trường chứng khoán thử thách ngưỡng kháng cự quanh 1084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) không thành công khi không thể đóng cửa trên ngưỡng này để xác nhận dư địa tăng tiếp lên ngưỡng 1200 điểm (đỉnh tháng 4/2018).
Thất bại trước ngưỡng này khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn dẫn đến áp lực bán chốt lời trong hai phiên gần đây. Tuy nhiên, điểm tích cực hiện tại là tâm lý bắt đáy vẫn còn tương đối mạnh giúp thu hẹp mức giảm trong phiên 24/12.
Thị trường phản ứng tốt với ngưỡng 1045 điểm (đỉnh tháng 6/2018) và đây sẽ là hỗ trợ ngắn hạn trong các phiên tiếp theo. Với xu hướng thị trường hiện nay thì thị trường có thể giảm thêm 1 đến 2 phiên nữa như diễn biến vào cuối tháng 10 để về vùng cân bằng cung cầu mới.
Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 nên tiếp tục quan sát và có thể giải ngân thêm nếu thị trường tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn.
Mai Chi