Phiên giao dịch hôm qua (22/10) tiếp tục là nỗi thất vọng lớn với nhà đầu tư khi thị trường bất ngờ sụt mạnh cuối phiên, những nỗ lực bắt đáy của bên mua đều bị bên bán “vùi dập thê thảm”.
VN-Index kết phiên đánh mất 5,64 điểm tương ứng 0,57% còn 983,56 điểm; HNX-Index cũng lao dốc mạnh, mất 1,47 điểm tương ứng 1,39% còn 104,01 điểm.
Phiên thị trường giảm giá, thanh khoản có phần cải thiện nhẹ. Khối lượng trên HSX được đẩy lên 200,32 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt 4.140,06 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 27,32 triệu cổ phiếu và 271,17 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã giảm giá. Có tổng cộng 329 mã giảm, 20 mã giảm sàn so với 270 mã tăng và 41 mã tăng trần trên toàn thị trường.
Trong phiên này, mặc dù chỉ số nhận được sự hỗ trợ của một số mã như VNM, LGC nhưng bị tác động tiêu cực do SAB, VCB, BID, TCB, VHM giảm giá. Trong đó, SAB lấy đi của chỉ số tới 1,34 điểm, tác động từ VCB là 0,87 điểm và từ BID là 0,81 điểm.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup
Cổ phiếu SDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng trên UPCoM hôm qua tăng kịch trần 13.200 đồng lên 101.800 đồng.
Cuối phiên mã này không hề còn dư bán và dư mua giá trần 150,4 nghìn đơn vị sau khi đã đạt mức khớp lệnh 157,1 nghìn cổ phiếu. Tuy nhiên, SDI lại bị khối ngoại bán ròng 123,6 nghìn cổ phiếu (không mua).
Cổ phiếu SDI đang phản ứng tích cực với thông tin sáp nhập vào Vingroup. Hiện Vingroup đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu SDI đang lưu hành thuộc sở hữu của cổ đông còn lại bên Đô thị Sài Đồng.
Tỷ lệ hoán đổi theo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản là 1 cổ phiếu SDI đổi lấy 1,1 cổ phiếu VIC, đồng nghĩa rằng Vingroup sẽ phát hành thêm khoảng 13,86 triệu cổ phiếu và qua đó nâng vốn điều lệ của Vingroup sau sáp nhập lên 34.438 tỷ đồng.
Vingroup hiện đang nắm giữ 107,4 triệu cổ phiếu SDI, tương ứng 89,5% vốn điều lệ của Đô thị Sài Đồng.
Cổ phiếu RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hôm qua cũng có phản ứng tích cực trước thông tin kết quả sản xuất kinh doanh quý 3 tăng mạnh bất chấp hoả hoạn diễn ra hồi cuối tháng 8. Mã này tăng 2.000 đồng lên 76.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản đạt thấp, chỉ đạt hơn 9 nghìn đơn vị.
“Vua thanh khoản” tiếp tục là FLC. Mã này tăng trần lên 4.950 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 10,2 triệu cổ phiếu, cuối phiên vẫn còn dư mua giá trần 11,6 triệu đơn vị, không hề có dư bán. Tuy vậy, khối ngoại vẫn ròng hơn 163 nghìn đơn vị (mua vào 173,6 nghìn cổ phiếu và bán ra 336,78 nghìn cổ phiếu).
Về triển vọng của thị trường chung, theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 978-983 điểm trong phiên kế tiếp. Tại đây, chỉ số nhiều khả năng sẽ hồi phục tăng điểm trở lại.
Dù vậy, về tổng thể, BVSC vẫn duy trì quan điểm cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục dao động theo hướng đi ngang tích lũy với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 978-998 điểm trong ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể.
Danh mục các cổ phiếu trong rổ VN30 dự kiến sẽ có sự xáo trộn đáng kể khi các quỹ đầu tư theo rổ chỉ số này sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 trong những tuần cuối tháng 10.
Chiến lược đầu tư được khuyến nghị là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Có thể áp dụng các hoạt động trading, ưu tiên cổ phiếu có sẵn trong danh mục trong giai đoạn thị trường đi ngang hiện tại.
Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể xem xét bán trading trong các phiên thị trường tăng điểm, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận lại vùng kháng cự tâm lý quanh 1000 điểm. Có thể thực hiện mua đón đầu ở một số cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng trong các nhịp điều chỉnh của các cổ phiếu này.
Mai Chi