Vingroup sẽ dồn toàn lực cho mảng công nghiệp, công nghệ. Còn với Masan, việc thâu tóm hệ thống bán lẻ Vinmart sẽ giúp doanh nghiệp này có thêm sức mạnh trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng. Ảnh: Trí Thức Trẻ.
Vingroup, Masan toan tính gì?
Nhu tin đã đưa, ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Lãnh đạo Vingroup giải thích động thái sáp nhập này nhằm thay đổi chiến lược, phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ, công nghiệp.
“Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup trả lời khi hỏi về nguyên nhân thực sự của thương vụ này.
Bình luận về cái bắt tay giữa Vingroup và Masan, ông Phan Lê Thành Long – chuyên gia tài chính cho rằng đây là thương vụ M&A “khủng” nhất năm 2019.
Trong giao dịch sáp nhập này, Masan Consumer Holding (MCH) sẽ là bên mua, VCM (VinCommerce) và VinEco sẽ là bên bán. Xét trên góc độ chiến lược kinh doanh thì có lẽ đây là thương vụ lợi cả đôi bên.
Theo chuyên gia này, VCM cần MCH, trong khi đó MCH cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VCM. Hiện MCH nắm giữ một hệ sinh thái sản xuất và 180.000 điểm phân phối hàng tiêu dùng, nắm những công ty con như Vinacafe Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Meatlife... Trong khi đó, VCM có 120 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi. VinEco thì có 30.000ha diện tích đất nông nghiệp.
“Chiến lược của Masan trong phát triển ngành hàng tiêu dùng là lý do họ là bên mua”, ông Phan Lê Thành Long bình luận. CIO của Masan cũng từng phát biểu tại diễn đàn chuyển đổi số gần đây rằng những nhà sản xuất như Masan, Vinamilk sợ rằng sẽ phải chia sẻ biên lợi nhuận cho các nhà phân phối, bán lẻ có khả năng khống chế thị trường. Và hiện tại chính nhà sản xuất Masan muốn trở thành kẻ khống chế thị trường đó.
Đề cập đến diễn biến cổ phiếu của Masan vừa qua, vị chuyên gia này nhấn mạnh với Dân trí: MSN đang gánh rủi ro lớn.
Ông Long giải thích thêm: Diễn biến thường lệ của giá cổ phiếu ngay sau công bố thương vụ M&A giống như bao thương vụ khác trên thế giới. Bên mua sẽ chịu rủi ro từ khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng từ vụ sáp nhập.
“Làm thế nào để bên mua tạo dòng tiền tương lai bù đắp cho phần thặng dư (premium) mà họ có thể phải trả để nắm quyền kiểm soát bên bán? Cổ đông bên bán có thể được hưởng lợi từ định giá (cao) từ thương vụ”, ông Long nhận định.
Ông Long cho biết, trong giao dịch VCM huy động 500 triệu USD từ GIC gần đây, chuỗi VinMart được định giá hơn 3 tỷ USD, một con số rất cao trong bối cảnh các chỉ số tài chính được công bố chưa khả quan, hoặc số thật thì chỉ có bên mua biết.
“Nhưng câu chuyện sẽ là cả bên mua và bên bán trong thương vụ này đều “tài năng” trong định giá và đàm phán cả”, ông Long nhận xét.
Nên là doanh nghiệp Việt, thay vì các ông lớn ngoại?
Trong khi đó, nhận xét về thương vụ “bom tấn” này, ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nói với Dân trí: Đây là cái bắt tay lịch sử trong những ngày cuối năm 2019 giữa hai tập đoàn lớn. Ông Phú ví đây như một phép cộng đẹp giữa các doanh nghiệp Việt với nhau.
Theo ông Phú, Vingroup gần đây đã công bố việc chuyển hướng để trở thành một tập đoàn công nghiệp, công nghệ thương mại dịch vụ với định hướng ở các sản phẩm như xe ô tô, điện thoại thì việc nhường “mặt trận” bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan là một điều tất yếu.
“Đó là một cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải mà tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới”, ông Phú nhận xét. Còn đối với Masan thì sao? Ông Phú cho rằng việc tiếp thu mạng lưới rộng lớn của Vingroup sẽ chắp thêm cánh cho họ bay cao hơn.
“Sự cộng tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là một điều rất đáng khích lệ bởi trong hoàn cảnh hiện nay các doanh nghiệp Việt đang yếu về nhiều mặt thì rất cần sự liên kết hợp tác giữa họ với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI”, ông Phú nhấn mạnh.
Ông Phú nói thêm: Nếu thị trường không có những tập đoàn Việt mạnh mẽ và các doanh nghiệp Việt lần lượt bị thôn tính sáp nhập thì tương lai bán lẻ Việt sẽ đi về đâu?
“Chúng ta biết rằng mất phân phối bán lẻ sẽ mất cả sản xuất, khả năng đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài là một điều tất yếu”, ông Vũ nhấn mạnh.
Nói về lý do chọn Masan làm đối tác, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cũng cho biết, đây là câu chuyện “chọn mặt gửi vàng”.
"Trước hết, phải khẳng định là ngay từ đầu chúng tôi đã quyết chí chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước", ông Quang nói.
Nguyễn Mạnh