Chỉ 1 tuần, tài sản ông Phạm Nhật Vượng đã tăng tới 1,3 tỷ USD
Đầu tuần, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng nhẹ 0,25% lên 118.600 đồng, mức giá cao nhất lịch sử của mã này (theo giá điều chỉnh).
Ở mức giá này, VIC đã đạt mức tăng hơn 4% tương đương 4.600 đồng mỗi cổ phiếu kể từ đầu tháng 3 và tăng rất mạnh với biên độ tăng hơn 14% (14.600 đồng/cổ phiếu) so với 1 tháng trước đó.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng tăng rất mạnh trong 1 tuần qua
Theo đó, tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng gia tăng theo, đạt 221.211 tỷ đồng. Ông Vượng hiện đang sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và còn sở hữu gián tiếp trên 989,18 triệu cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Thống kê của tạp chí Forbes cho thấy, đến ngày 12/3, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 7,9 tỷ USD, xếp thứ 196 trong danh sách người giàu thế giới. Theo đó, ông Vượng đã thăng hạng nhanh chóng tới 43 bậc so với thời điểm Forbes công bố danh sách người giàu thế giới 2019 chỉ cách đây ít ngày (5/3) và giá trị tài sản của ông Vượng cũng tăng tới 1,3 tỷ USD.
Cổ phiếu bị bán tháo, đại gia Nhượng Tống tung “tiền tỷ” ứng cứu
Phiên giao dịch ngày hôm qua (12/3), cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp.
Mã này đánh mất 11.100 đồng tương ứng 7% còn 147.600 đồng, nâng tổng mức thiệt hại trong 7 phiên giao dịch “đen tối” này lên con số 97.400 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng “bốc hơi” tới 39,76% giá trị, vốn hoá sụt giảm tới 3.046,7 tỷ đồng.
Chưa rõ hiệu ứng tâm lý mà ông Nhượng Tống tạo ra khi chi tiền mua cổ phiếu YEG ở giá sàn có "đỡ" được mã này
Phiên này, YEG được giao dịch tổng cộng 135.330 cổ phiếu. Rất bất ngờ, cùng ngày, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng công bố thông tin đã thực hiện mua xong 100.000 cổ phiếu YEG bằng phương pháp khớp lệnh (chiếm gần 74% tổng khối lượng cổ phiếu YEG được giao dịch trong phiên), qua đó nâng tổng sở hữu tại Yeah1 lên 11.431.408 cổ phiếu.
Với toàn bộ cổ phiếu YEG được khớp lệnh tại mức giá sàn 147.600 đồng ở phiên giao dịch này, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chi gần 14,8 tỷ đồng cho thương vụ nói trên. Dù vậy, kết phiên, YEG vẫn còn dư bán giá sàn tới 150.577 cổ phiếu và hoàn toàn trắng bên mua.
Khối tài sản của “tỷ phú nước mắm” Nguyễn Đăng Quang vẫn “sinh sôi”
Phiên giao dịch ngày 11/3, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan phiên này giảm nhẹ 200 đồng tương ứng 0,2% còn 89.600 đồng. Tuy diễn biến trồi sụt trong những phiên gần đây, song cổ phiếu MSN vẫn đạt được mức tăng gần 12% trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua. Khối tài sản của “tỷ phú nước mắm” Nguyễn Đăng Quang tại Masan theo đó cũng tăng tương ứng.
Tổng giá trị tài sản trên sàn của ông chủ Masan – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang ở mức 22.846 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của Forbes, ông Quang đang sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717 trong danh sách siêu giàu thế giới năm 2019.
Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ của các thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi...
Ông Quang vừa mới được đưa vào danh sách tỷ phú USD của Forbes trong đợt xếp hạng năm 2019. Forbes cho rằng, dù chỉ trực tiếp sở hữu 15 cổ phiếu MSN song các dữ liệu họ thu thập được đủ chứng minh ông Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan.
Siết nợ ngàn tỷ từ bầu Kiên, đại gia ACB đối mặt với thế lực mới
Theo báo cáo tài chính, trong năm 2018, ACB của ông Trần Hùng Huy đã thu về gần 1,13 ngàn tỷ đồng từ việc thu hồi của “nhóm sáu công ty” sau khi đã sử dụng dự phòng xử lý rủi ro hơn 289 tỷ đồng. Trong năm 2018, ACB cũng được hoàn nhập chi phí dự phòng lên tới hơn 480 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ nhóm G6 (nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên).
Ông Trần Hùng Huy
Thế nhưng, sau khi thay bố giữ chức vụ chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề làm sạch bảng tổng kết tài sản.
Không những vậy, mặc dù ACB đã phục hồi rất ấn tượng nhưng cũng như nhiều ngân hàng khác, ACB đang đối mặt với những thách thức mới; trong đó có những cuộc cạnh tranh gay gắt, đến không chỉ từ những đối thủ truyền thống đang gia tăng quy mô nhanh chóng như Techcombank, mà còn từ các đối thủ phi truyền thống.
ACB cũng như nhiều ngân hàng sẽ phải cạnh tranh vưới Grab, Alipay, Amazon… Đây đều là các ông lớn có thể tạo ra platform cho cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính hữu ích, như thanh toán…
Vợ chồng ông Trần Đình Long mất hơn 1.500 tỷ đồng vì… thận trọng?
Phiên giao dịch ngày 16/3, HPG của ông Trần Đình Long giảm giá nhưng khối lượng giao dịch lại được đẩy lên rất mạnh, trên 17 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, dẫn đầu toàn thị trường. Theo VDSC, đây là thanh khoản cao nhất trong lịch sử giao dịch 1 năm qua của mã cổ phiếu này, xuất phát từ áp lực bán của khối ngoại đưa giá về mức sàn và xuất hiện lực cầu bắt đáy đối với HPG.
Rớt khỏi danh sách người giàu thế giới năm 2019 của Forbes, song tài sản của ông Long vẫn được định giá 1 tỷ USD
Mức giá của HPG từng chạm đáy vào phiên 1/2 tại 27.300 đồng và đạt cao nhất 1 năm vào 19/3/2018 là 45.086 đồng (đã điều chỉnh). Với mức giá đóng cửa ngày 15/3 là 31.900 đồng, HPG đã tăng gần 17% so với đáy và giảm hơn 29% so với mức đỉnh.
Trong phiên giảm sâu của cổ phiếu HPG ngày cuối tuần, giá trị tài sản cổ phiếu của vợ chồng “vua thép” đã giảm khá mạnh với thiệt hại ở mức 1.584,5 tỷ đồng.
Thế Hưng