Giữa lúc thị trường bất lợi thì cổ phiếu HPG của Hoà Phát lại tăng 1,11% lên 27.300 đồng trong phiên hôm qua (25/6). Đáng chú ý, mã này được giao dịch rất mạnh, lên tới 24,41 triệu cổ phiếu và trở thành mã có khớp lệnh cao nhất thị trường.
HPG giao dịch đột biến sau khi tổ chức xong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 33% và 19% so với thực hiện năm 2019, đạt 86.000 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng.
Tại phiên họp này, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát cho biết, trong quý II, tập đoàn này đã đạt 2.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - mức lợi nhuận kỷ lục của kỳ kinh doanh này, tăng 32% so với cùng kỳ; và trong 6 tháng, con số là 5.000 tỷ đồng, hoàn thành 55,56% kế hoạch năm và cũng tăng 30% so với kết quả cùng kỳ.
Đại hội đồng cổ đông Hoà Phát hôm qua cũng thông qua phương án chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 25% trong đó có 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu (dự kiến thực hiện trong quý 2 và quý 3). Với cổ tức năm 2020, dự kiến mức chia là 20% và trong đó có 5-10% là bằng tiền mặt.
HPG là mã cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất...
Nhưng cũng là tâm điểm hoạt động bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại
Trong bối cảnh thanh khoản đã xuống thấp nhiều phiên liền, việc phần lớn các cổ phiếu đều giảm và chỉ số diễn biến dưới ngưỡng tham chiếu trở nên không hề bất ngờ trong phiên hôm qua (25/6).
VN-Index đánh mất 5,12 điểm tương ứng 0,6% còn 854,59 điểm; tuy nhiên HNX-Index vẫn gượng dậy và đạt mức tăng khiêm tốn 0,38 điểm tương ứng 0,33% lên 114,07 điểm. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm tương ứng 0,18% còn 56,63 điểm.
Thanh khoản đạt 312,29 triệu cổ phiếu tương ứng 4.634,46 tỷ đồng trên HSX và 57,76 triệu cổ phiếu tương ứng 421,81 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 14,76 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 149,59 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm thị trường. Trên cả ba sàn có tới 406 mã giảm giá, 30 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 297 mã tăng và 56 mã tăng trần.
Các cổ phiếu lớn giảm giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chính. VIC giảm 1.300 đồng còn 93.400 đồng, VCB giảm 1.000 đồng còn 83.700 đồng, VNM, VHM, HDB, MSN, VRE, BID, VPB, TCB đều sụt giảm. Theo đó, chỉ riêng VIC và VCB đã gây thiệt hại lần lượt 1,25 điểm và 1,05 điểm cho VN-Index.
Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu “nóng” bất ngừ lại được mua mạnh trở lại. ITA tăng trần lên 5.260 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 15,6 triệu cổ phiếu và không còn dư bán.
HQC tăng trần lên 1.900 đồng, khớp lệnh 21,16 triệu cổ phiếu và cũng sạch mọi lệnh bán. DBC hồi phục 1.500 đồng lên 49.000 đồng/cổ phiếu.
Một số mã khác cũng đạt được trạng thái tăng giá như NVL, HPG, STB, HSG… Dù vậy, tác động của những cổ phiếu này lên chỉ số chính là không lớn.
Diễn biến thị trường trong phiên hôm qua phần nào bị ảnh hưởng bởi những diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới và các động thái của khối nhà đầu tư nước ngoài.
Trong phiên, nhà đầu tư ngoại đã quay trở lại bán ròng hơn 66 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó, bán rọng hơn 53,2 tỷ đồng trên HSX. Hoạt động bán ròng tập trung tại HPG (58,5 tỷ đồng) và VRE (20,4 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu KDC và chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond lại được mua ròng mạnh nhất. VHM cũng được mua ròng trở lại (23,1 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đi vào xu hướng giảm điểm nhưng đã kịp hồi phục nhẹ ở cuối phiên, cho thấy áp lực bán cũng chưa đến mức nguy hiểm. Nhóm phân tích cho rằng, sẽ xuất hiện những nhịp hồi phục rõ nét hơn và nhà đầu tư có thể xem xét cơ cấu danh mục của mình về ngưỡng an toàn hợp lý.
Mai Chi