Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai giảm trong khi thị trường tăng mạnh
Sau kiểm toán, từ lãi trăm tỷ đồng chuyển sang lỗ
Giữa lúc thị trường đang đi lên thì cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai có phiên giao dịch gây thất vọng thứ tư liên tiếp. Mã này mất 2,05% còn 1.430 đồng/cổ phiếu.
Tập đoàn này vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 sau kiểm toán cho thấy kết quả lỗ 7,4 tỷ đồng thay vì mức lãi 108 tỷ đồng đạt được theo báo cáo tự lập trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là sau kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng lên rất mạnh, lên mức 298,7 tỷ đồng.
Nêu ý kiến tại báo cáo lần này, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng đối với Đức Long Gia Lai, trong đó cho biết, tại ngày 31/12/2019, tập đoàn chưa thanh toán hầu hết các khoản vay đã đến hạn trả bao gồm nợ trái phiếu, vay ngân hàng và nợ một số tổ chức. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trong yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này khẳng định doanh nghiệp vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Công ty đang làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc vay, giảm lãi suất cho vay phù hợp với dòng tiền của các dự án trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ban lãnh đạo cũng đang xây dựng các định hướng chiến lược, cấu trúc lại tập đoàn và tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tại thời điểm 31/12/2019, Đức Long có khoản vay ngắn hạn 1.335 tỷ đồng và vay dài hạn 2.386 tỷ đồng; chiếm 43% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay dài hạn đến hạn trả là 513 tỷ đồng và trái phiếu đến hạn là 378 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý rằng tập đoàn đã cho một số tổ chức, cá nhân vay 2.399 tỷ đồng, chiếm 27,85% tổng tài sản, không có tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp còn có khoản công nợ 121 tỷ đồng liên quan dự án hợp tác xây dựng 5 cây cầu bê tông tại Lào chưa thu hồi được.
Đức Long cho rằng đây chỉ là lưu ý của đơn vị kiểm toán. Riêng với khoản công nợ, lãnh đạo Đức Long cho biết, công trình được nghiệm thu theo tiến độ nhưng các nhà thầu khác chưa hoàn thiện hạng mục đường dẫn ở vị trí 2 đầu cầu. Chủ đầu tư đã kiểm tra thực tế và đôn đốc các nhà thầu thi công.
Gần 6.500 tỷ đồng đổ vào thị trường mua chứng khoán
Thanh khoản vẫn tiếp tục gia tăng, dòng tiền mạnh dạn đổ vào giải ngân cổ phiếu trong phiên 26/5. Trên sàn HSX ghi nhận có 5.545,61 tỷ đồng được nhà đầu tư đưa vào thị trường, khối lượng giao dịch đạt 328,34 tỷ đồng.
Trong khi đó, con số này trên HNX cũng đạt cao với 60,66 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 691,25 tỷ đồng; UPCoM có 18,28 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 220,87 tỷ đồng. Tổng cộng có gần 6.500 tỷ đồng được đưa vào thị trường để mua sắm cổ phiếu trong ngày hôm qua.
Với dòng tiền tích cực, VN-Index nới rộng đà tăng trong phiên chiều và ấn định mức tăng 10,09 điểm tương ứng 1,17% lên 869,13 điểm, áp sát mốc 870. HNX-Index tăng 1,35 điểm tương ứng 1,23% lên 110,49 điểm và UPCoM-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,71% lên 55,33 điểm.
Mặc dù phiên hôm qua, VHM, VIC giảm giá, tuy nhiên, chỉ số chính lại được hỗ trợ bởi phần lớn cổ phiếu tăng giá.
Theo thống kê, có tới 513 mã tăng giá, 64 mã tăng trần trên cả 3 sàn trong ngày hôm qua, hoàn toàn áp đảo so với số lượng 266 mã giảm, 40 mã giảm sàn.
Đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên này đã thể hiện khá ấn tượng. BID tăng 2.350 đồng lên 42.000 đồng, VCB tăng 1.400 đồng lên 82.500 đồng. Hai mã này lần lượt đóng góp 2,69 điểm và 1,48 điểm cho VN-Index. Các mã khác như VPB, CTG, TCB, MBB cùng tăng giá. ACB tăng giá trên sàn Hà Nội và cũng đóng góp cho HNX-Index tới 1,1 điểm.
Bên cạnh đó, HPG cũng tăng 1.100 đồng lên 74.900 đồng, MSN, HVN, PLX, MWG, SAB, PNJ đều tăng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản thị trường hôm qua duy trì ổn định ở mức cao cho thấy sự lạc quan trong tâm lý nhà đầu tư. Sắc xanh cũng đã lan tỏa tốt hơn với số cổ phiếu tăng điểm áp đảo số cổ phiếu giảm điểm.
Giai đoạn này mức tăng mạnh mẽ liên tiếp được ghi nhận trên thị trường, được xem là tín hiệu tích cực trong trung hạn.
VCBS cho biết, các chỉ báo vẫn ủng hộ cho xu hướng tăng của chỉ số trong trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy thêm một số cổ phiếu có triển vọng tích cực trong nửa còn lại của năm 2020.
Mặt khác, nhà đầu tư cũng có thể tận dụng dòng tiền “nóng” đang bắt đầu chú ý đến một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ có câu chuyện riêng biệt để giao dịch “lướt sóng” nhằm tình kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Mai Chi