Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch ngày 26/6 với kết quả đáng tiếc khi VN-Index ghi nhận mức giảm 1 điểm tương ứng 0,1% còn 959,13 điểm và HNX-Index mất 0,2 điểm tương ứng 0,19% còn 103,95 điểm.
Các chỉ số đi xuống bất chấp trên thị trường số lượng các mã tăng vẫn đang nhỉnh hơn so với số mã giảm. Có 322 mã tăng giá, 43 mã tăng trần so với 294 mã giảm và 25 mã giảm sàn.
Thị trường phiên giao dịch 26/6 chịu tác động tiêu cực do VCB giảm giá. Chỉ riêng mã này đã khiến VN-Index mất 2,1 điểm. Ngoài ra, trạng thái giảm tại VHM, TCB, HVN, CTG cũng mang lại ảnh hưởng không mấy tích cực cho VN-Index, trong khi GAS, MSN, VIC, BID tuy tăng giá nhưng không cứu vớt được chỉ số.
Thanh khoản phiên này cải thiện đáng kể so với các phiên giao dịch trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 252,31 triệu cổ phiếu tương ứng 5.571,69 tỷ đồng và con số này trên HNX là 23,79 triệu cổ phiếu tương ứng 287,23 tỷ đồng.
Đại gia trẻ Nguyễn Văn Tuấn - một "hiện tượng" trên thị trường chứng khoán Việt
Phiên hôm qua, cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - CTCP bất ngờ sụt giảm 400 đồng tương ứng 1,91% còn 20.500 đồng ngay sau khi doanh nghiệp này vừa tổ chức xong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 với những thông tin rất quan trọng, đặc biệt là về nhân sự nhiệm kỳ mới.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Điện Việt Nam (Gelex - GEX) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera. Ông Tuấn là một trong những lãnh đạo trẻ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sinh năm 1984).
Ông Tuấn từng được bầu làm phó Chủ tịch HĐQT của Fecon năm 2013, sau đó trải qua các chức vụ: Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD; Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thiết bị Điện; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CAV).
Với việc sở hữu hơn 45,3 triệu cổ phiếu VCW của Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn đang sở hữu khối tài sản trị giá 1.328,7 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Thông qua công ty này, ông cũng gián tiếp sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác trên sàn.
Với nhân sự cấp cao mới, năm 2019, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu 9.300 tỷ đồng và lãi trước thuế hợp nhất 950 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,5% và 12% so với năm trước. Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10,5%. Công ty sẽ tiếp tục thoái vốn Nhà nước và triển khai đầu tư phát triển các dự án vật liệu xây dựng và bất động sản.
Trở lại với TTCK, theo nhận xét của VDSC, trong khi những ngành được dự báo hưởng lợi từ EVFTA là thủy sản, dệt may hào hứng tăng điểm hàng loạt thì phần còn lại giao dịch khá ảm đạm. Những cổ phiếu tăng điểm ấn tượng có thể kể đến CMX (6,9%), ACL (5,8%), ANV (4,7%), FMC (3%), VHC (2,9%), TNG (5,1%), GMC (4%), STK (3%), TCM (2,6%) ... Ngoài ra còn có CCL (6,9%), CVT (3,9%), HAX (3,7%), PVD (1,9%), PLX (1,5%) ...
Nhóm VN30 giao dịch khá cân bằng. Phía tăng điểm là NVL (2,4%), MSN (1,8%), GMD (1,7%), GAS (1,2%) ... Phía giảm điểm là DPM (2,8%), VCB (2,6%), TCB (1,7%), STB (1,3%) ... Không khó để nhận thấy sự đuối sức của nhóm ngân hàng trong những phiên gần đây.
Khối ngoại kết thúc chuỗi bốn phiên bán ròng liên tiếp trên HSX khi quay lại mua ròng với giá trị 159 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào VIC, VHM, BID, BVH, MSN...
VDSC cho rằng, thị trường tiếp tục biến động giằng co với biên độ không lớn. Dòng tiền tương đối yếu ở nhóm cổ phiếu lớn nhưng vẫn tích cực ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là những cổ phiếu có câu chuyện riêng như dệt may, thủy sản, một số cổ phiếu bất động sản ... Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu cụ thể thay vì quá bị ảnh hưởng bởi chỉ số chung.
Mai Chi