Fica
  1. Chứng Khoán

Đà tăng trên 1.100% của một cổ phiếu và lời hứa từ đại gia Trịnh Văn Quyết

Trong khi GAB tăng chóng mặt một năm qua, mức tăng không tưởng giúp nhà đầu tư nhân 10 tài khoản thì FLC vẫn dưới ngưỡng 5.000 đồng cùng quyết tâm của đại gia Trịnh Văn Quyết đưa FLC về mệnh giá.

Đà tăng trên 1.100% của một cổ phiếu và lời hứa từ đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

Đại gia Trịnh Văn Quyết (ảnh: FLC)

"Họ FLC" bứt tốc cuối năm

Quy luật không tránh khỏi trên thị trường chứng khoán, đó là vào những phiên cuối năm, các nhà đầu tư lại có xu hướng bán cổ phiếu chốt lời… ăn Tết.

Trong lúc nhiều cổ phiếu trên thị trường chịu áp lực điều chỉnh thì nhóm cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết lại đang được săn đón mạnh. Thời gian gần đây, tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết thường được nhắc tới trên các diễn đàn, hội nhóm của các nhà đầu tư chứng khoán bởi lời hứa của ông Quyết, chẳng hạn như việc sẽ sớm đưa cổ phiếu FLC về mệnh giá (10.000 đồng).

Ngoại trừ ART và GAB đứng tham chiếu thì các mã còn lại trong "họ FLC" đều tăng mạnh. KLF tăng 4,8% lên 2.200 đồng và có lúc đã được giao dịch ở mức giá trần 2.300 đồng.

FLC tăng 3% lên 4.480 đồng; HAI tăng 2,9% lên 2.880 đồng; ROS tăng 2,9% lên 2.500 đồng và AMD tăng 2,2% lên 2,820 đồng.

Cũng như mọi khi, nhóm cổ phiếu này có thanh khoản lớn. KLF khớp 11,24 triệu đơn vị, FLC khớp 22,52 triệu đơn vị; ROS khớp 17,92 triệu đơn vị.

Mới đây, kế hoạch niêm yết cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes liên tục thay đổi. Trong động thái mới nhất, FHH cho biết muốn niêm yết 416 triệu cổ phiếu lên sàn HSX tương đương tổng giá trị 4.160 đồng.

Trước đó, vào ngày 10/12, Sở HNX công bố thông tin về việc rút đăng ký niêm yết cổ phiếu của FHH chỉ sau chỉ sau chưa đầy 2 tháng nộp vào HNX do "thay đổi định hướng phát triển". Việc một cổ phiếu FLC lên giao dịch trên thị trường luôn là một câu chuyên gây chú ý với nhà đầu tư.

Chẳng hạn như GAB mới chỉ lên sàn trong hơn 1 năm nhưng đã tăng 1536,67% giá trị. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, mã này tăng 1108,62%. Đặt bài toán, 1 nhà đầu tư bỏ vốn 100 triệu đồng vào mã này hồi đầu năm nay thì nay đã có trong tài khoản hơn 1,1 tỷ đồng - mức lãi không tưởng với tiết kiệm đơn thuần.

Tiếp tục xuất hiện tình trạng nghẽn mạng

Trong phiên 30/12, áp lực bán thể hiện rõ vào phiên giao dịch chiều sau khi VN-Index đã tăng điểm khá tích cực trong suốt phiên buổi sáng.

Đóng cửa, chỉ số chính của sàn HSX giảm 1,95 điểm tương ứng 0,18% còn 1097,54 điểm, một lần nữa lỡ hẹn với mốc 1100 điểm. HNX-Index tương tự cũng giảm 0,16 điểm tương ứng 0,08% còn 196,94 điểm và UPCoM-Index giảm 0,42 điểm tương ứng 0,57% còn 73,41 điểm.

Trong bức tranh thị trường, tuy rằng độ rộng vẫn nghiêng về phía các mã tăng giá, song chênh lệch số lượng mã tăng - giảm không đáng kể. Có 471 mã tăng, 88 mã tăng trần nhưng cũng có 416 mã giảm, 20 mã giảm sàn.

Do hoạt động giao dịch các lô cổ phiếu lẻ đang cấp tập được thực hiện nên tình trạng nghẽn mạng, "đơ" hệ thống vẫn tái diễn trong phiên hôm qua. Dù vậy, thanh khoản HSX vẫn ghi nhận đạt 676,97 triệu cổ phiếu tương ứng 13.469,71 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 110,78 triệu cổ phiếu tương ứng 1137,36 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 43,64 triệu cổ phiếu tương ứng 565,9 tỷ đồng.

Nhiều mã cỏ phiếu lớn giảm giá và ảnh hưởng không nhỏ đến VN-Index. VCB giảm 1,3% còn 97.900 đồng, GVR giảm 3,4% còn 28.500 đồng; HPG, BVH, BID, NVL… cùng giảm giá.

Ngược lại, VIC tăng 1,8% lên 108.500 đồng và theo đó đóng góp 1,82 điểm cho VN-Index.

Về triển vọng của thị trường phiên cuối năm, chuyên gia phân tích SHS cho rằng, thị trường có thể tiếp tục rung lắc và chốt NAV năm 2020 với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.084 điểm và xa hơn quanh 1.060 điểm.

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tập trung rà soát danh mục đầu tư, cơ cấu chốt NAV năm trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần trong phiên 24/12 có thể canh chốt lời và chờ đợi điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn để tham gia trở lại.

Mai Chi