Trước áp lực bán mạnh trong phiên chiều qua (18/11), mặc dù có sự nhập cuộc của dòng tiền lớn song các chỉ số vẫn “thất thủ”.
VN-Index sụt mạnh 7,12 điểm tương ứng 0,7% còn 1.002,91 điểm và khiến chỉ số chính đứng trước “nguy cơ” có thể tuột mất mốc 1.000 điểm trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng lao đốc mất 0,88 điểm tương ứng 0,83% còn 105,15 điểm; UPCoM-Index sụt nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,15% còn 56,91 điểm.
Thanh khoản đạt 184,31 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 4.198,69 tỷ đồng; HNX có 18,64 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 213,21 tỷ đồng và UPCoM có 6,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 102,46 tỷ đồng.
Giao dịch tập trung tại ROS. Khối lượng giao dịch tại mã này lên tới 29,1 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, FLC và HVG cũng được giao dịch mạnh, khối lượng khớp lệnh lần lượt là 13,35 triệu cổ phiếu tại FLC và 8,77 triệu cổ phiếu tại HVG.
Cotecland đang có kỳ kinh doanh không mấy sáng sủa
Trên toàn thị trường vẫn có 851 triệu cổ phiếu không xảy ra giao dịch. Trong đó, có 367 mã giảm, 32 mã giảm sàn và 271 mã tăng, 41 mã tăng trần.
Trong sự sụt giảm chung của thị trường ngày hôm qua có sự tác động lớn của những mã cổ phiếu trụ cột như VCB, VIC, VNM, BID… Trong đó, chỉ riêng VCB đã lấy đi của VN-Index tới 2,29 điểm. Tác động từ VIC là 1,47 điểm, từ VNM là 1,13 điểm và từ BID là 0,7 điểm. Một số mã khác cũng có ảnh hưởng tiêu cực là TCB, CTG, PLX, FPT, HVN…
Chiều ngược lại, GAS, HPG, SAB, POW, PPC, HDB… vẫn bền bỉ tăng, tuy nhiên, ảnh hưởng từ mức tăng của những mã này lên xu hướng chung là không đáng kể.
Giữa bối cảnh thị trường chung biến động tiêu cực như trên, đáng ngạc nhiên là hôm qua cổ phiếu CLG của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (Cotecland) vẫn nối tiếp chuỗi tăng trần lên 5.870/cổ phiếu.
Chuỗi tăng liên tục của CLG thiết lập từ ngày 17/10 đến nay (và trong đó chỉ có 1 phiên tăng 1,38% vào ngày 18/10, còn lại đều tăng trần). Với chuỗi tăng trần ấn tượng này, CLG đã bật tăng tới gần 305%.
Điều đáng nói là động lực tăng giá của CLG rất khó hiểu khi kết quả kinh doanh của Cotecland thời gian vừa qua sa sút. Doanh thu quý III của đơn vị này chỉ đạt chưa tới 2 tỷ đồng, giảm hơn 97% so với cùng kỳ năm trước và báo lỗ ròng 6,3 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 133 triệu đồng).
Giải trình cho tình trạng làm ăn thua lỗ, Cotecland cho biết hiện đang trong giai đoạn xúc tiến hợp đồng thi công các dự án mới nên chưa có doanh thu phần xây dựng và báo lỗ vì phải chịu các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Cotecland đạt doanh thu thuần gần 35 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và báo lỗ ròng gần 117 tỷ đồng do ghi nhận lỗ lớn từ thanh lý công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác. Qua đó, đưa lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2019 lên gần 108 tỷ đồng.
Cổ phiếu CLG của Cotecland miệt mài tăng trần suốt hơn 1 tháng nay
Trên thị trường chứng khoán, bản thân cổ phiếu CLG cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 3/5/2019 do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018.
Sau phiên giao dịch đầu tuần, các chuyên gia chứng khoán từ BVSC tỏ ra lo ngại, thị trường có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp. Theo đó, VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 993-1000 điểm. Tại đây, BVSC kỳ vọng chỉ số sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng đặt ra khả năng, sau giai đoạn bứt phá trước đó, thị trường có khả năng sẽ sớm bước vào quá trình dao động tích lũy trong vùng 1.000-1.024 điểm để giúp các lớp cổ phiếu có thêm thời gian tích lũy và hình thành mặt bằng giá mới trước khi quay lại xu thế tăng điểm trong thời gian tới.
Giai đoạn hiện tại, thị trường đang khá thiếu vắng thông tin hỗ trợ nên diễn biến thị trường có thể sẽ trở lại trạng thái giao dịch giằng co và có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu.
BVSC lưu ý, vào Thứ Năm tới (21/11) là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11 nên các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 có thể sẽ có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Mai Chi