Một phiên "hú vía" với giới đầu tư ngay trước kỳ nghỉ cuối tuần. Thị trường chứng khoán ngày 16/4, sau khi rung lắc phiên sáng thì đã lao dốc rất mạnh ở phiên chiều, đặc biệt là vào khoảng 13h40, VN-Index xuyên thủng ngưỡng "hỗ trợ cứng" 1.230 điểm, ghi nhận thiệt hại hơn 20 điểm, nhiều cổ phiếu chạm mức sàn.
May mắn là vào lúc này, tiền bắt đáy đổ vào rất mạnh, kéo chỉ số phục hồi nhanh chóng. VN-Index đóng cửa thu hẹp mức thiệt hại, chỉ còn mất 8,54 điểm tương ứng 0,68% còn 1.238,71 điểm.
Thiệt hại của VN30-Index có phần "nhẹ" hơn. Chỉ số này đóng cửa tại 1.276,87 điểm, mất 7,33 điểm tương ứng 0,57%. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến đồng pha, mất 3,01 điểm tương ứng 1,02% còn 293,11 điểm và UPCoM-Index giảm 0,91 điểm tương ứng 1,1% còn 81,79 điểm.
Diễn biến "ngạt thở" của VN-Index khi chỉ số này có lúc đã thủng mốc 1.230 điểm.
Số mã giảm trên toàn thị trường lên tới 755 với 35 mã giảm sàn trong khi phía tăng có 293 mã, 108 mã tăng trần. Có nghĩa là hầu hết nhà đầu tư đều bị mất tiền (giá trị tài sản giảm mạnh) trong phiên.
Nguyên nhân khiến thị trường chịu áp lực lớn ngay sau đáo hạn phái sinh đó là lượng cổ phiếu "khủng" quy mô "tỷ USD" của phiên 13/4 đã về đến tài khoản nhà đầu tư.
Nhiều cổ phiếu đã bị chốt lời và giảm giá sâu bất chấp trước đó xu hướng tăng rất khỏe. Chẳng hạn ITA của Tân Tạo bị bán sàn ngay đầu phiên, sau đó dần hồi phục từ mức sàn 8.470 đồng về sát ngưỡng tham chiếu. Dù vậy, đóng phiên, mã này vẫn giảm tới 5,5% xuống 8.600 đồng và khớp lệnh hơn 35,5 triệu đơn vị.
Tương tự TTF cũng có lúc về mức sàn 7.070 đồng trước khi đóng cửa tại 7.290 đồng, ghi nhận sụt giảm 4,1% và có lúc còn được giao dịch ở mức giá tham chiếu. Khối lượng khớp lệnh của mã này trong phiên đạt 13,27 triệu đơn vị.
AMD và TGG đóng cửa với mức tăng mạnh 3,6% và 4,3% và trong phiên có lúc tăng trần, nhưng cũng có thời điểm hai mã này bị giao dịch ở vùng "giá đỏ". Bởi vậy, chiến thuật của một bộ phần nhà đầu tư vẫn là "lướt trên hàng sẵn có", mua vào giá thấp và bán giá cao.
Trong nhóm vốn hóa lớn, MSN của Masan Group dù có lúc tăng lên 101.500 đồng song cũng có thời điểm bị lực chốt lời dồn về mức giá 95.200 đồng trước khi hồi phục tăng nhẹ 0,1% lúc đóng cửa, ấn định mức giá 100.100 đồng.
Tuy nhiên, hấp thụ của phiên này vẫn tốt. Đây cũng chính là điểm cộng của thị trường phiên cuối tuần khi đón lượng một lượng tiền quy mô suýt soát "tỷ đô" gia nhập mua cổ phiếu. Thanh khoản sàn HSX đạt 21.759,83 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 986,87 triệu đơn vị.
Trên HNX, con số này là 218,5 triệu cổ phiếu tương ứng 3.575,93 tỷ đồng và trên UPCoM là 127,17 triệu cổ phiếu tương ứng 1.173,88 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch "khủng" nhất phiên chính là ROS với 101,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng, kế đến là FLC với 61,8 triệu đơn vị. STB, ITA, HPG, DLG, KLF là những mã có khối lượng giao dịch lớn ở trong phiên cuối tuần.
Khối lượng khớp lệnh của ROS hoàn toàn thông qua phương thức khớp lệnh và thiết lập kỷ lục về thanh khoản ở mã này kể từ khi niêm yết.
ROS khớp lệnh "khủng" nhất thị trường.
Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC đã thông báo đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu ROS để nâng tỷ lệ sở hữu. Một năm trước, ông Quyết rời ghế Chủ tịch FLC Faros và bán ra tổng cộng hơn 260 triệu cổ phiếu ROS, giảm xuống còn 23,7 triệu đơn vị và không còn là cổ đông lớn của ROS (tỷ lệ sở hữu 4,17%).
Trở lại với thị trường chung, khối ngoại vẫn giao dịch với chiều hướng tiêu cực khi bán ròng 9 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng 532 tỷ đồng trên phạm vi toàn thị trường. Riêng trên sàn HSX, khối nhà đầu tư bán ròng mạnh hơn 557 tỷ đồng, tập trung vào VHM, HPG, VNM, CTG, BID, MSN.
Mai Chi