9 tỷ USD vốn hóa sàn HSX bị "thổi bay"
Như tin đã đưa, trong phiên hôm qua (6/7), thị trường chứng khoán cú "sụp" cuối phiên khiến VN-Index mất 56,34 điểm tương ứng 3,99% còn VN30-Index cũng mất tới 68,99 điểm tương ứng 4,43%.
Dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) cho thấy, sau cú "wash out" (bán tháo) này, vốn hóa của sàn HSX đã "bốc hơi" tới 209.435 tỷ đồng (tương ứng hơn 9 tỷ USD).
Cổ phiếu của mọi ngành nghề trên thị trường đều chìm trong sắc đỏ phiên 6/7 (Ảnh chụp màn hình - dữ liệu MBS).
Cụ thể, cuối phiên 5/7, vốn hóa thị trường của sàn HSX là 5.294.914 tỷ đồng, con số này đã giảm còn 5.085.479 tỷ đồng ở thời điểm đóng cửa phiên 6/7.
Toàn thị trường có đến 721 mã giảm giá, 89 mã giảm sàn. Trong đó, sàn HSX có 350 mã giảm giá trong khi chỉ có 59 mã tăng. Riêng rổ VN30 ghi nhận 26 mã giảm so với 3 mã tăng giá.
Những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là HPG, TCB, CTG, GAS, BID, GVR, VHM, MBB, VIC. HPG giảm 6,2%; TCB, CTG, MBB giảm sàn; GAS giảm 6,7%; BID giảm 5,7%; GVR giảm sàn, VHM cũng giảm sàn.
Với mức giảm 3.200 đồng mỗi cổ phiếu, vốn hóa thị trường của HPG giảm 2.578,2 tỷ đồng. TCB giảm sàn mất 4.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa mã này theo đó sụt 7.710,8 tỷ đồng.
Tình trạng giảm giá mạnh cũng ảnh hưởng đáng kể tài sản của người giàu trên thị trường chứng khoán. Tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup giảm 5.749 tỷ đồng xuống còn 214.633 tỷ đồng do VIC giảm 3.000 đồng/cổ phiếu.
HPG giảm giá mạnh cũng khiến giá trị tài sản ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát - hao hụt 2.765 tỷ đồng xuống còn 41.472 tỷ đồng.
MSN giảm 2.600 đồng và TCB giảm 4.000 đồng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản tỷ phú Hồ Hùng Anh, khiến giá trị tài sản Chủ tịch Techcombank sụt hơn 805 tỷ đồng xuống còn 29.289 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - bị sụt giảm gần 700 tỷ đồng xuống còn 28.215 tỷ đồng.
"Tay to" cũng "đu đỉnh" hay là nhanh tay bắt đáy?
Thị trường bán tháo cuối phiên, tuy nhiên, nhà đầu tư tổ chức bao gồm tự doanh và khối nhà đầu ngoại lại tăng cường mua vào. Vấn đề nằm ở chỗ là liệu những "tay to" này đã mua vào cổ phiếu lúc "sale off" cuối phiên hay cũng đã "đu đỉnh" mua vào cổ phiếu vùng giá cao ở trong phiên giao dịch?
Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán trong phiên này cho thấy, trong phiên "đánh úp" chiều qua, tự doanh mua ròng 218,63 tỷ đồng, trong đó, giá trị cổ phiếu mua vào là 585,79 tỷ đồng và bán ra 367,16 tỷ đồng.
Hoạt động mua - bán ròng của tự doanh các công ty chứng khoán (Ảnh chụp màn hình - MBS).
Những mã cổ phiếu được khối tự doanh mua vào mạnh là CTG (119,5 tỷ đồng), SSI (77,85 tỷ đồng), PET (21,86 tỷ đồng), VCB (21,55 tỷ đồng) và FPT (13,54 tỷ đồng). Ngược lại, khối này xả mạnh HPG (56,84 tỷ đồng), LPB (21,03 tỷ đồng), TPB (14,74 tỷ đồng), VIC (12,86 tỷ đồng) và VRE (9,5 tỷ đồng).
Quan sát giao dịch tại CTG cho thấy, tổng khối lượng giao dịch trong phiên là 26 triệu cổ phiếu, trong đó, có tới 23,32 triệu cổ phiếu được giao dịch ở mức giá 51.100 đồng. Mức giá sàn 48.500 đồng có 2,62 triệu cổ phiếu này được giao dịch.
Còn tại SSI, nhà đầu tư giao dịch mạnh nhất tại mã này ở mức giá 54.800 đồng (khối lượng 13,5 triệu đơn vị) còn mức giá sàn 52.600 đồng được giao dịch 2,68 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, tại 14h28, xuất hiện một lệnh giao dịch với khối lượng lên tới 13,31 triệu cổ phiếu SSI ở mức giá 54.800 đồng (giá trị hơn 729 tỷ đồng). Tổng khối lượng giao dịch tại mã này là 16,6 triệu cổ phiếu.
Giao dịch "khủng" tại SSI khi mã này giảm 3% song vẫn chưa giảm sàn (Ảnh chụp màn hình - dữ liệu Vietstock).
Trở lại với thị trường chung, bên cạnh tự doanh thì khối nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện mua ròng trong phiên giảm mạnh hôm qua. Mặc dù trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng nhẹ ở mức 511.581 cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng 25,7 tỷ đồng nhưng riêng trên HSX, vẫn mua ròng 46,3 tỷ đồng, khối lượng 2.700 cổ phiếu.
Hoạt động mua ròng của khối ngoại tập trung tại VHM, VCB, MBB, MSN, HDB, NVL… và bán ròng chủ yếu ở cổ phiếu HPG, VPB, VNM, CTG.
Mai Chi