Bà Mai Kiều Liên - CEO của Vinamilk
Sau một số phiên “tăng nóng”, thị trường sáng nay đã có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ. VN-Index quay đầu giảm 1,28 điểm tương ứng 0,15% còn 827,05 điểm; HNX-Index giảm 0,26 điểm tương ứng 0,23% còn 111,31 điểm, trong khi đó, UPCoM-Index nhích nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,05% lên 53,52 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao. Nhân dịp giá cổ phiếu “hạ nhiệt”, nhiều nhà đầu tư đã tăng cường giải ngân.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 182,42 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 3.242,48 tỷ đồng. Trên HNX có 33,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 294,26 tỷ đồng; và trên UPCoM, con số này lần lượt là 9,05 triệu cổ phiếu và 108,22 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng nhẹ về phía các mã tăng, với 332 mã tăng giá, 49 mã tăng trần, nhỉnh hơn so với 283 mã giảm và 28 mã giảm sàn. Điều này cũng phần nào phản ánh, tình trạng giảm điểm tại các chỉ số chính do phải chịu áp lực điều chỉnh tại một số mã có vốn hoá lớn.
Đang có sự phân hoá trong nhóm cổ phiếu bluechip. Có đến 19 mã giảm trong rổ VN30 khiến chỉ số VN30-Index đánh mất 2,84 điểm tương ứng 0,37%.
SAB tăng 1.700 đồng lên 174.800 đồng/cổ phiếu; VNM tăng 1.300 đồng lên 109.800 đồng/cổ phiếu. VCB, TCB, MBB, HDB, BVH vẫn giữ được trạng thái tăng.
Ngược lại, MWG lại giảm 2.300 đồng còn 82.700 đồng, VJC giảm 1.600 đồng còn 117.000 đồng, MSN giảm 1.000 đồng còn 62.100 đồng; thị giá VHM, BHN, GAS, HPG, PNJ, BID… đều đang bị sụt giảm.
Theo đó, nếu như VNM, VCB, SAB, BVH, TCB đang là những mã có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số chính VN-Index thì nhóm VIC, HPG, BID, MSN, GAS lại là yếu tố kìm hãm chỉ số, khiến VN-Index bị gãy mạch tăng.
Cổ phiếu VNM sáng nay diễn biến tích cực bất chấp áp lực chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư do thông tin hãng sữa này sẽ mua lại 17,5 triệu cổ phiếu tương đương 1% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 21/5 đến 20/6.
Hiện tại, Vinamilk đang nắm giữ 310.099 cổ phiếu quỹ. Với kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên điều hành sẽ sử dụng nguồn tiền 2.470 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quý 1/2020, nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh với GTNFoods, Vinamilk báo doanh thu thuần tăng 7,3% lên 14.153 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lãi sau thuế vẫn bị giảm nhẹ 0,7% xuống còn 2.777 tỷ đồng do chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh.
Theo khuyến nghị của Công ty chứng khoán VCBS, trong bối cảnh chỉ số chung tiếp tục ghi nhận diễn biến khá tích cực, VCBS cho rằng, bên cạnh việc theo dõi diễn biến của dòng tiền để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu một cách hợp lý, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc lại triển vọng kết quả kinh doanh trong quý 2 và cả năm 2020 của các doanh nghiệp để đưa ra chiến lược cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm kiểm soát rủi ro ở mức hợp lý.
Mai Chi