Trạng thái giao dịch dùng giằng tiếp diễn đến hết phiên hôm qua (24/10) với tình trạng đi ngang của các chỉ số và thanh khoản ở mức khá thấp.
VN-Index dao động quanh đường tham chiếu, kết phiên tăng nhẹ 0,6 điểm tương ứng 0,06% lên 987,79 điểm còn HNX-Index lại giảm 0,36 điểm tương ứng 0,34% còn 104,14 điểm.
Thanh khoản đạt hơn 179 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.496,7 tỷ đồng và con số này trên HNX là 16,24 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 207 tỷ đồng.
Thống kê thị trường cho thấy, hôm qua, số mã tăng giá vẫn nhỉnh hơn so với số mã giảm, mặc dù cách biệt không đáng kể. Bên tăng có 292 mã, 29 mã tăng trần và bên giảm có 281 mã, 33 mã giảm sàn.
Với mức tăng giá 1.400 đồng lên 75.800 đồng/cổ phiếu, MSN hôm qua là mã có tác động mạnh nhất lên VN-Index, giúp chỉ số tăng thêm 0,48 điểm. Bên cạnh đó, VIC, VRE, HPG, VPB cũng có ảnh hưởng tích cực. Chiều ngược lại, CTG, HVN, PLX, GAS, VCB, VNM giảm giá.
ACB và PVS lại gần như mất hút vai trò phiên hôm qua trên HNX. Những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến HNX-Index là C69, TIG, SHN song tác động lại rất khiêm tốn, không bù lại được thiệt hại do SHB gây ra là 0,11 điểm.
Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch VCSC
Cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hôm qua có phiên phục hồi thứ hai liên tiếp, tăng 1,16% lên 34.800 đồng. Khối lượng giao dịch đạt 671 nghìn cổ phiếu.
Cổ đông và nhà đầu tư đang phản ứng khá tích cực với cổ phiếu VCI sau khi VCSC công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, bất chấp tình hình tài chính - kinh doanh của công ty này có sự sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019 vừa được doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng công bố, công ty đạt 346 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 10% so với cùng kỳ.
Doanh thu môi giới cũng giảm tới 18% xuống mức 137,3 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 5% còn 90,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm 12,6% xuống còn 100,6 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu cũng giảm 5% xuống mức 90,7 tỷ đồng.
Kết thúc quý III, VCSC báo lãi giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 150,4 tỷ đồng. Qua đó khiến lãi 9 tháng giảm mạnh 29% so cùng kỳ xuống 492,6 tỷ đồng song vẫn hoàn thành được khoảng 72% kế hoạch lợi nhuận năm đặt ra.
Sau 9 tháng, tổng tài sản của VCSC ghi nhận tăng nhẹ, đạt 6.565 tỷ đồng tại ngày 30/9. Các tài sản tài chính FVPTL tăng gấp đôi lên 961 tỷ đồng, trong đó có những khoản đầu tư lớn như KDH, SCR, HPG, MBB.
Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tại ngày 30/9 đạt gần 1.399 tỷ tỷ đồng, giảm 31% với những khoản đầu tư lớn vào DIG, MWG, VPB. Điểm đáng chú ý là tại mục AFS chưa niêm yết cho thấy VCSC đang nắm 123,5 tỷ đồng cổ phiếu MNS01 của Masan MEATLife, một công ty con của Masan Group.
Đưa ra nhận định đối với thị trường chứng khoán, VCSC dự báo trong phiên hôm nay (24/10), thị trường sẽ có nhịp giảm đầu giờ để VN-Index, VN30 và HNX-Index kiểm định lại các hỗ trợ tại mốc 985 điểm, 918 điểm và 104 điểm.
Nếu lực cầu giá thấp đủ mạnh để duy trì các hỗ trợ, một sự phục hồi nhất định sẽ được kỳ vọng xuất hiện về phía cuối phiên.
Nhìn chung, việc các tín hiệu kỹ thuật bị nhiễu cho thấy sự không kiên định trong tâm lý của các bên mua và bên bán. Do đó, tạm thời nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì chiến lược quan sát thị trường.
Trong khi đó, BVSC lại lạc quan hơn, đánh giá thị trường sẽ tiếp tục biến động theo hướng tăng điểm trong phiên hôm nay. Chỉ số sẽ thử thách vùng kháng cự 990-993 điểm ở phiên này. Dù vậy, diễn biến thị trường vẫn sẽ theo hướng giằng co với các nhịp rung lắc mạnh trong phiên.
Về tổng thể, BVSC vẫn duy trì quan điểm cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục dao động theo hướng đi ngang tích lũy với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 980-1000 điểm trong ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể.
Danh mục các cổ phiếu trong rổ VN30 dự kiến sẽ có sự xáo trộn đáng kể khi các quỹ đầu tư theo rổ chỉ số này thực hiện các hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 trong những tuần cuối tháng 10.
Mai Chi