Sau khi suýt chạm đáy của năm, cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn hồi phục được về ngưỡng tham chiếu 30.000 đồng khi chốt phiên hôm qua (20/12).
Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố kết quả phát hành đợt 2 (từ tháng 8 đến tháng 10/2019), thu về 168 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành thuộc kế hoạch huy động tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu của VCSC.
Cổ phiếu của công ty bà Thanh Phượng (VCI) đang ở trong vùng giá thấp nhất năm
Trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, là trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi. Lãi suất phát hành vào khoảng 7-9%, phương thức phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư không giới hạn nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong đợt chào bán nói trên, nhà đầu tư tổ chức mua vào 112 tỷ đồng - tương đương 66% lô trái phiếu chào bán, 34% còn lại thuộc về nhà đầu tư cá nhân.
Công ty này cũng đã lên kế hoạch cho đợt chào bán kỳ 2 của đợt 2 (từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020) với tổng giá trị hơn 331,5 tỷ đồng, mục tiêu nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, giúp ổn định nguồn vốn, tăng cường hiệu quả kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ với lãi suất theo hướng ổn định. Vốn thu về dự dùng cho hoạt động tự doanh chứng khoán, cho vay margin...
Lãi suất đợt chào bán mới tối đa bằng lãi suất gửi trung hạn bình quân của BIDV và Vietinbank cộng 3%/năm. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2019-1/2020.
Phiên chiều qua, đà tăng của chỉ số đã được nới rộng bất chấp hoạt động cơ cấu của các quỹ ETFs diễn ra mạnh mẽ. VN-Index tăng 4,15 điểm tương ứng 0,44% lên 956,41 điểm; HNX-Index tăng 0,42 điểm tương ứng 0,41% lên 102,42 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,21 điểm tương ứng 0,37% lên 55,67 điểm.
Khối lượng giao dịch được đẩy lên cao trên HSX, đạt 243,33 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 5.319,51 tỷ đồng. Con số này trên sàn HNX là 20,88 triệu cổ phiếu tương ứng 190,69 tỷ đồng và trên UPCoM là 6,35 triệu cổ phiếu tương ứng 66,76 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng. Số lượng mã tăng giá theo thống kê ở mức 348 mã, có 59 mã tăng trần trong khi phía giảm là 278 mã, 36 mã giảm sàn.
Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ đáng kể bởi cổ phiếu bluechips. Có 22 mã cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá, và qua đó đưa chỉ số VN30-Index tăng 6,14 điểm tương ứng 0,71%, mức tăng cao hơn so với chỉ số chính. Một số mã có mức tăng khá tốt có thể kể đến PNJ tăng 1.300 đồng; SAB tăng 1.100 đồng; BVH tăng 1.000 đồng, FPT, MWG cùng tăng 700 đồng…
Tuy nhiên, dễ nhận thấy là trong phiên này, diễn biến tăng khá đồng đều, chỉ số không bị lệ thuộc vào một mã nào cụ thể. Đóng góp lớn nhất cho chỉ số là BID với 0,64 điểm; PLX với 0,56 điểm; TCB với 0,46 điểm… Ngược lại, một số mã có tác động tiêu cực là MSN, GEX, HVN.
Theo lưu ý của BVSC, tuần tới, VN-Index dự báo sẽ có sự hồi phục tăng điểm trở lại và chỉ số có thể hình thành dao động trong vùng 951-968 điểm. Nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm cho rằng, thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn sau khi kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi.
Giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm các quỹ sẽ thực hiện chốt NAV và không loại trừ khả năng thị trường sẽ có biến động đáng kể khi hoạt động này diễn ra.
Diễn biến các nhóm ngành trong tuần tới sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh, dòng cổ phiếu đầu cơ đang có diễn biến khá sôi động nhưng rủi ro khi tham gia vào các cổ phiếu này đang gia tăng khi giá nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn.
Còn với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số VN30 hiện đang ở vùng hỗ trợ mạnh và có khả năng hồi phục tăng điểm trong ngắn hạn nên BVSC kỳ vọng các cổ phiếu bluechips cũng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khoảng thời gian đầu năm 2020.
Chiến lược đầu tư mà BVSC đưa ra là nâng nhẹ tỷ trọng danh mục lên mức 30-40% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên thực hiện bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các phiên thị trường tăng điểm. Sau khi đã mở các vị thế mua mới với tỷ trọng thấp hoặc cover lại các vị thế đã bán tại vùng hỗ trợ 946-951 điểm, nhà đầu tư tạm thời ngừng giải ngân mới để quan sát thêm tín hiệu của thị trường.
Mai Chi