Fica
  1. Chứng Khoán

Công ty bà Nguyễn Thanh Phượng gây bất ngờ; Rủi ro vẫn "rình rập" thị trường

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giữa lúc thị trường giằng co, VN-Index đạt được trạng thái tăng trong bối cảnh thanh khoản chưa thực sự bứt phá, cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt đã bật tăng sau chuỗi “lình xình” trước đó. Tuy vậy, rủi ro “bẫy tăng giá” với nhà đầu tư chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Trải qua rung lắc, tuy vậy, phiên giao dịch hôm qua (10/6) vẫn kết thúc với trạng thái tăng tại VN-Index. Chỉ số này tăng 4,62 điểm tương ứng 0,48% lên 962,9 điểm, bảo toàn được thành quả của phiên sáng. Trong khi đó, HNX-Index lại giảm 0,21 điểm, tương ứng giảm 0,2% còn 103,99 điểm.

Độ rộng thị trường nhìn chung vẫn đang nghiêng về phía các mã tăng giá. Có 308 mã tăng, 35 mã tăng trần so với 282 mã giảm và 27 mã giảm sàn. Trong mức tăng của VN-Index có sự đóng góp đáng kể của VCB với 1,22 điểm; SAB với 1,03 điểm; VIC, VJC, GAS…. VHM, TCB, VHC ngược lại giảm giá và phần nào kìm hãm chỉ số chính.

Thanh khoản thị trường ghi nhận mức 154,89 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.834,41 tỷ đồng và trên HNX là 16,29 triệu cổ phiếu tương ứng 211,12 tỷ đồng.

Công ty bà Nguyễn Thanh Phượng gây bất ngờ; Rủi ro vẫn rình rập thị trường - 1

Bà Nguyễn Thanh Phượng là người sáng lập nên VCSC. Cổ phiếu công ty này phiên hôm qua tăng giá mạnh

Cổ phiếu VCI của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - doanh nghiệp do bà Nguyễn Thanh Phượng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT, hôm qua gây bất ngờ khi tăng giá 1.450 đồng tương ứng 4,7% lên 32.100 đồng. Trước đó, mã này diễn biến giằng co với biên độ tăng-giảm không đáng kể.

Vào cuối tháng 5 vừa rồi, một cá nhân là ông Nguyễn Phan Minh Khôi đã thực hiện “lướt sóng” cổ phiếu VCI nhưng cuối cùng lại nhận “kết đắng”. Cụ thể, ngày 23/05, ông này mua vào thành công 45.000 cổ phiếu VCI qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên hơn 5% và trở thành cổ đông lớn. Tuy vậy, ngay hôm sau vào ngày 24/5, vị này lại bán ra ngay 700.000 cổ phiếu VCI và không còn là cổ đông lớn của VCI chỉ sau 1 ngày. 

Sau giao dịch bán 700.000 cổ phiếu, ông Khôi chỉ còn nắm gần 7,5 triệu cổ phiếu VCI, tương ứng sở hữu gần 4,6% vốn công ty. Tính ra, chỉ trong hai ngày, với việc mua vào 45.000 cổ phiếu rồi bán ra ngay sau đó, ông Khôi đã phải chấp nhận lỗ cả “nghìn đô” (phiên 23/5, VCI tăng giá 0,96% sau đó giảm 1,58% vào ngay phiên hôm sau).

Theo ghi nhận của VDSC, dòng tiền tiếp tục có sự lan tỏa khá đều, nhưng có vẻ nghiêng hơn về phía các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. VN-Index tăng 0,34% thì chỉ số của nhóm vốn hoá vừa VNMID-Index tăng 0,45% và nhóm vốn hoá nhỏ VNSML-Index tăng 0,43%.

Đáng chú ý là mức tăng tại một số mã như ROS (tăng 3,3%), SAB (tăng 2%), VCB (tăng 1,7%), VJC (tăng 1,5%) ... Nhìn chung mức độ biến động của các cổ phiếu trong rổ VN30 ngày hôm nay là không lớn.

Khá nhiều cổ phiếu tăng điểm hôm nay thuộc nhóm bất động sản như CSC (tăng tới 9,6%), CCL (tăng 6,9%), TIG (tăng 5,9%)... và nhóm bất động sản khu công nghiệp như SZL (tăng 2%), SZC (tăng 2,2%), NTC (tăng 5,1%) ...

Ngành tiêu cực nhất trong phiên hôm qua là thủy sản. Nhiều cổ phiếu thuộc ngành này giảm mạnh như ANV (giảm 5,6%), VHC (giảm 3,3%), IDI (giảm 2,5%), CMX (giảm 2,4%), ACL (giảm 2%)....

VDSC nhận xét, thị trường rung lắc mạnh khi các chỉ số chạm vùng kháng cự mạnh. Dòng tiền trên thị trường vẫn đang khá ổn định và có xu hướng tập trung hơn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ có câu chuyện riêng. Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục nhưng cũng cần hạn chế sự hưng phấn vì rủi ro “bulltrap” (bẫy tăng giá) chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Trong khi đó, theo BVSC, thị trường được dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 965-968 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ số bứt phá thành công qua vùng kháng cự này, thì đích đến tiếp theo sẽ là vùng hỗ trợ then chốt 977-983 điểm.

Đây là vùng cản mạnh và được đánh giá là tương đối khó vượt qua đối với thị trường ở thời điểm hiện tại. Do đó, BVSC cảnh báo khả năng quay đầu giảm điểm của thị trường tại vùng kháng cự trên.

Về diễn biến các nhóm ngành, dòng tiền sẽ vẫn tập trung luân chuyển ở các nhóm ngành được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như dệt may, bất động sản khu công nghiệp, điện, công nghệ thông tin…

Nhóm ngân hàng đang tiếp cận các vùng cản gần và có thể sẽ chuyển sang trạng thái dao động đi ngang trong những phiên tới. Các cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục có các phiên rung lắc mạnh trong quá trình hồi phục.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu trong giai đoạn này. Hạn chế các hành động mua đuổi ở các mức giá cao trong các phiên thị trường tăng mạnh và có thể xem xét bán trading khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 965-968 điểm.

Mai Chi