Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tính đến hết sáng nay đã có hai phiên tăng giá mạnh.
Nếu như hôm qua, VGT tăng 440 đồng tương ứng 5,57% thì sáng nay, mã này tiếp tục tăng thêm 660 đồng tương ứng 8,43% lên 9.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói là trong 4 phiên trước đó, VGT khởi đầu năm Canh Tý không mấy thuận lợi với liên tiếp 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Tình trạng giảm của VGT có thể là do ảnh hưởng chung của thị trường trong bối cảnh lo ngại ảnh hưởng của virus corona. Theo đó, dệt may được cho là ngành bị tác động tiêu cực do có nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá VGT đã tăng mạnh sau khi tập đoàn này công bố sản xuất khẩu trang diệt khuẩn có thể tái sử dụng khoảng 30 lần giặt chỉ giá chỉ 7.000 đồng để phòng dịch nCoV.
Việc Vinatex có thể tự chủ trong sản xuất khẩu trang rất đáng chú ý trong bối cảnh hiện tại
Sản phẩm khẩu trang của các thành viên trong tập đoàn này sản xuất bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoản 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch. Nguyên liệu hoàn toàn do Vinatex tự chủ sản xuất. Giá bán lẻ là 7.000 đồng/chiếc, mức giá tương đương chi phí sản xuất.
Đây là thông tin rất đáng chú trong bối cảnh thị trường khẩu trang đang sốt giá và hầu hết doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên thị trường bị lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho biết lượng nguyên liệu chỉ đủ phục vụ sản xuất trong vòng 1 tháng.
Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đã đổ mạnh hơn vào thị trường trong phiên giao dịch sáng nay (6/2). Với khối lượng giao dịch đạt 113,89 triệu cổ phiếu, sàn HSX ghi nhận tổng giá trị giao dịch 2.027,11 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX có hơn 19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 192,17 tỷ đồng. Thị trường UPCoM cũng có 5,13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 76,09 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index theo đó tăng mạnh 7,5 điểm tương ứng 0,81% lên 933,41 điểm; HNX-Index tăng 2,03 điểm tương ứng 1,97% lên 105,22 điểm và UPCoM-Index tăng 0,1 điểm tương ứng 0,17% lên 55,3 điểm.
Trong phiên tăng này của các chỉ số có sự dẫn dắt của một số cổ phiếu vốn hoá lớn. Với 24 mã tăng giá trong tổng số 30 mã tiêu biểu của sàn HSX, chỉ số VN30-Index đạt mức tăng mạnh 10,99 điểm tương ứng 1,3%, biên độ tăng lớn hơn đáng kể so với VN-Index.
Cụ thể, chỉ riêng hai “ông lớn” ngân hàng VCB, CTG đã lần lượt đóng góp 1,19 điểm và 1,14 điểm cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, VN-Index còn được hỗ trợ bởi đà tăng tại VNM, VRE, GAS, VPB, TCB, HPG, VHM và HDB.
Ở chiều ngược lại, VIC, SAB, MSN, NVL, DHG, HVN, ROS giảm giá đã ảnh hưởng đáng kể đến sức bứt phá của chỉ số. Thiệt hại do VIC và SAB gây ra cho chỉ số lần lượt là 0,98 điểm và 0,75 điểm.
Trên HNX, ACB và SHB đóng vai trò “đầu kéo” dẫn dắt HNX-Index tăng giá mạnh. Trong đó, ảnh hưởng của ACB là 1,3 điểm và của SHB là 0,44 điểm.
Nhìn chung thị trường đang có diễn biến tích cực khi số lượng mã tăng giá đã hoàn toàn áp đảo so với số mã giảm. Có 351 mã tăng, 43 mã tăng trần so với 201 mã giảm và 37 mã giảm sàn.
Diễn biến trên thị trường sáng nay vượt ngoài dự báo của các công ty chứng khoán. Hầu hết giới phân tích đều có cái nhìn thận trọng và cho rằng thị trường sẽ đi ngang hoặc giảm điểm.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 920-940 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu năm 2019-cạnh dưới vùng tích lũy tháng 6/2019) nhằm ổn định nền giá mới sau hoảng loạn.
Nhà đầu tư không nên quá lo lắng trong tình hình hiện tại do trong lịch sử thị trường chứng khoán, những dịch bệnh đã xảy ra và được kiểm soát; sau đó, thị trường chứng khoán thường hồi phục tốt và vượt qua được mức điểm số trước đó.
Do đó, SHS khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong các phiên giảm sâu. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900- 920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) nếu có sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư.
Mai Chi