Fica
  1. Chứng Khoán

"Cơn điên" của tiền vào chứng khoán chưa dừng lại, dòng dầu khí "dậy sóng"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Kỷ lục về dòng tiền liên tục bị xô đổ trên thị trường chứng khoán, VN-Index mỗi ngày lại thiết lập một đỉnh mới.

Phiên giao dịch cuối tuần (4/6), nhà đầu tư trải qua những thời khắc thật sự mang tính thử thách với sự "giật cục" của VN-Index, những cú "đảo pha", "bẻ lái" khét lẹt" của giá cổ phiếu.

Đầu phiên sáng, sau khi tăng lên ngưỡng 1.370 điểm, VN-Index bất ngờ "đổi kèo", đồ thị chỉ số gãy gấp khúc rơi vào tình trạng giảm điểm. Lúc này, lực bán chiếm ưu thế, nhà đầu tư vội vã chốt lời do lo sợ rủi ro thị trường.

Một phần dẫn đến quyết định bán ra còn do sàn HSX giao dịch "tù mù", lệnh đặt mua, đặt bán không hiển thị đúng. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư. "Chốt lời không bao giờ sai", do đó, quyết định hiện thực hóa lợi nhuận lúc này là hoàn toàn dễ hiểu.

Phiên giao dịch sáng nay, do các công ty chứng khoán đồng loạt "đóng băng" tính năng hủy/sửa lệnh mua/bán đối với cổ phiếu trên sàn HSX, nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trong việc ra quyết định.

Cơn điên của tiền vào chứng khoán chưa dừng lại, dòng dầu khí dậy sóng - 1

Diễn biến tiêu cực của thị trường ở phiên sáng và đồ thị "gấp khúc" khó hiểu của VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Thanh khoản sáng nay trên HSX theo đó về dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức mua của nhà đầu tư (đặc biệt là lớp nhà đầu tư mới - F0) dường như vô hạn và vượt qua mọi lực cản, xóa tan những nghi ngại đối với thị trường.

Kết thúc phiên chiều, HSX ghi nhận dòng tiền kỷ lục 31.308,22 tỷ đồng đổ vào giải ngân cổ phiếu, khối lượng giao dịch nâng lên con số 943,32 triệu đơn vị.

Trên HNX, giá trị giao dịch đạt 4.644,49 tỷ đồng với 203,04 triệu cổ phiếu giao dịch và trên UPCoM con số này là 166,84 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.297,12 tỷ đồng.

Trước đó, với phiên 3/6, ông Lê Hải Trà - CEO HSX - cho hay, sự đồng lòng, chung tay của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư đối với việc kiểm soát sửa/hủy lệnh đã giúp cho tỷ lệ sửa/hủy lệnh giảm từ bình quân 33,5% xuống dưới 18%. Điều này đã tăng thêm số lượng lệnh giao dịch của các nhà đầu tư được khớp, đưa giá trị khớp lệnh lập kỷ lục.

Trái ngược hoàn toàn với phiên sáng, VN-Index bật tăng nhanh trong phiên chiều. Lúc này, đường lệnh trên HSX cũng đã trở nên thông thoáng hơn. Chỉ số chính tăng 9,77 điểm tương ứng 0,72% lên 1.374,05 điểm. Trong khi HNX-Index thu hẹp thiệt hại, chỉ còn giảm nhẹ 0,18 điểm tương ứng 0,06% còn 329,76 điểm; UPCoM-Index tương tự giảm 0,07 điểm tương ứng 0,08% còn 90,59 điểm.

Cơn điên của tiền vào chứng khoán chưa dừng lại, dòng dầu khí dậy sóng - 2

Cổ phiếu dầu khí tạo điểm nhấn và giúp các chỉ số đổi chiều bật tăng vào phiên chiều (Ảnh chụp màn hình).

Vào phiên chiều, dòng cổ phiếu dầu khí bất ngờ "nổi sóng". Nếu như ở phiên sáng, khi một số mã lớn trong dòng này bị điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư "dính" đòn tâm lý, theo đó lập tức bán ra. Một số nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu dầu khí ở phiên hôm qua do cho rằng mức lãi đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, một cách đầy bất ngờ, nhóm cổ phiếu này bứt tốc và "bốc đầu" tăng mạnh. BSR tăng 9,7% và vượt mốc 20.000 đồng, đóng cửa tại 20.400 đồng; PVS tăng kịch trần lên 29.700 đồng; PVD cũng tăng trần lên 24.250 đồng; PVT tăng trần lên 20.250 đồng; PVC tăng trần lên 12.500 đồng; PXS tăng trần lên 6.950 đồng.

PVB tăng 9,4%; PET tăng 5%; PGS tăng 4,6%; PVI tăng 3,1%; GAS tăng 3,5%; PLX tăng 3,2%; PLC tăng 3,3%;…

Sóng nối sóng, sóng sau chồng lên sóng trước. Sau ngân hàng, chứng khoán, đến lượt dầu khí giúp VN-Index thăng hoa. Thị trường ghi nhận có 573 mã tăng giá, 105 mã tăng trần so với 447 mã giảm, 30 mã giảm sàn.

Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời và giảm giá như PGB, NVB, BAB, NAB, BVB, SGB, LPB, KLB; HDB; TCB; ABB nhưng vẫn có một số giữ được nhịp tăng như TPB, VPB, MBB, CTG, SHB. Tương tự, cổ phiếu chứng khoán cũng bị chốt lời đáng kể, trong đó ORS giảm 5,6%; IVS giảm 5,6%; ART giảm 5,5%; VIX giảm 4%; AAS giảm 3,7%; BVS giảm 3,1%; MBS giảm 1,6%. Tuy vậy, vẫn có một số mã tăng như SBS tăng 7,5%; CTS tăng 6,4%; AGR tăng 3,8%; VCI tăng 1,2%.

Một số cổ phiếu bất động sản cũng giảm nhẹ như NVL, VHM giảm 0,9%, NLG giảm 2%, KDH giảm 1,6%... Tuy nhiên, cổ phiếu AGG của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia lại đi ngược dòng, đóng cửa ở 49.100 đồng/cổ phiếu, tăng 2,3%. Khối lượng khớp lệnh AGG đạt hơn 2,7 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với phiên 3/6.

"Nhà đầu tư F0 đã phá vỡ mọi quy luật của chứng khoán, chỉ có một quy luật ở lại là quy luật uptrend - tăng giá của thị trường" - anh Nguyễn Thành Nam, nhà đầu tư đã tham gia thị trường 15 năm nhìn nhận.

Theo anh Nam, yếu tố tâm lý tích cực của nhà đầu tư F0 cùng sự hạn chế của margin khiến chỉ cần thị trường điều chỉnh là khoảng hở margin sẽ lập tức bị lấp đầy. Nhà đầu tư đang có tâm lý bị "mất hàng", "cướp hàng" nên mức điều chỉnh không sâu.

Mai Chi

Tin liên quan