Fica
  1. Chứng Khoán

“Con cưng” VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiêu thụ ra sao ở Việt Nam?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với hơn 17.000 đơn đặt hàng ô tô trong năm 2019, doanh số VinFast sau một thời gian gia nhập thị trường ô tô Việt đã đạt khoảng 50% so với doanh số của một số hãng xe như Honda, Ford, Mazda, Kia, Mitsubishi.

Trong bối cảnh thận trọng của thị trường chung, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (17/1) với mức giảm giá nhẹ 0,09% còn 114.900 đồng.

Với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp công nghiệp - công nghệ hàng đầu, Vingroup từng tuyên bố dồn toàn lực để phát triển mảng này, đặc biệt là “con cưng” VinFast. Hãng xe non trẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dù mới gia nhập thị trường không lâu song hôm qua đã công bố doanh số với kết quả khá ấn tượng.

Cụ thể, VinFast cho biết đã có 17.214 đơn đặt hàng ô tô và 50.000 đơn hàng xe máy điện. Doanh số ô tô của VinFast bằng khoảng 50% những “cây đa cây đề” trên thị trường ô tô Việt như Honda (33.100 xe); Ford và Mazda (khoảng 32.000 xe) hay Kia và Mitsubishi (hơn 30.000 xe).

“Con cưng” VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiêu thụ ra sao ở Việt Nam? - 1

Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có bước khởi đầu khá thuận lợi

Phiên giao dịch chiều ngày 17/1, chỉ số VN-Index bật tăng bất ngờ và kết phiên với mức tăng mạnh 4,65 điểm tương ứng 0,48% lên 978,96 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,43 điểm tương ứng 0,42% lên 103,88 điểm và UPCoM-Index giảm 0,04 điểm tương ứng 0,07% xuóng 55,41 điểm.

Thanh khoản trên HSX đạt 164,13 triệu cổ phiếu tương ứng 3.302,68 tỷ đồng và trên HNX đạt 20,98 triệu cổ phiếu tương ứng 232,9 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 7,72 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 84,12 tỷ đồng.

Điểm tích cực là trong phiên hôm qua, độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá, song cách biệt không đáng kể. Có 295 mã tăng, 43 mã tăng trần so với 293 mã giảm và 38 mã giảm sàn. Như vậy, động lực của thị trường vẫn đang dựa vào sự bứt tốc của một số mã “đầu tàu”.

Hôm qua, VCB tăng 5.000 đồng và đạt đỉnh lịch sử 94.500 đồng; VJC tăng 2.200 đồng lên 148.200 đồng; cổ phiếu hai hãng bia Sabeco và Habeco cũng lần lượt tăng 1.200 đồng và 900 đồng.

Với mức tăng giá mạnh như trên, chỉ riêng VCB đã “cân” cả thị trường. Mã này đóng góp cho VN-Index 5,39 điểm, nhiều hơn cả mức tăng chung của VN-Index. Bên cạnh đó, hỗ trợ từ VJC, SAB, VNM, PLX cũng đáng kể. CTD tăng trần và theo đó, nằm trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index hôm qua.

Chiều ngược lại, những cổ phiếu giảm giá như BID, MSN, HPG, HVN… cũng phần nào tác động tiêu cực lên chỉ số chính cũng như ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán BVSC, nhìn chung, thị trường đã có một tuần giao dịch tích cực, cả VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index tăng 10,42 điểm tương đương 1,08% và HNX-Index đóng cửa tuần với mức tăng 1,66 điểm tương đương 1,62% so với cuối tuần trước.

Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là VCB, BID và CTG khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 5,40, 2,58 và 1,52 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là GAS, VRE và MSN khi lấy đi của chỉ số lần lượt 1,51, 0,92 và 0,51 điểm.

Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua trên sàn HSX đều giảm, mức giảm lần lượt là 16,89% và 11,32% về 171 triệu cổ phiếu và 3.646 tỷ đồng mỗi phiên. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần mua ròng trên sàn HSX với giá trị gần 387 tỷ đồng.

Nhóm phân tích của BVSC cho rằng, sau khi vượt qua vùng kháng cự quanh trọng 969-972 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 985-990 điểm trong ngắn hạn. Xu thế trung hạn của thị trường cũng đang có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn sau khi vùng hỗ trợ quanh 972 điểm bị phá vỡ.

Mặc dù, thị trường vẫn đang còn dư địa tăng điểm trong những phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trong quá trình đi lên.

Mai Chi