Thị trường phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2020 trở nên căng thẳng với tình hình thanh khoản không cải thiện và phần lớn cổ phiếu giảm giá.
Tuy vậy, các chỉ số vẫn không giảm sâu, một phần nhờ diễn biến tích cực của cặp cổ phiếu VIC - VHM của Vingroup và Vinhomes. Chỉ riêng hai mã này đã lần lượt đóng góp 2,31 điểm và 1,05 điểm cho VN-Index.
Đồ hoạ: VDSC
Cổ phiếu Vingroup bứt phá bất chấp tình trạng giằng co trên thị trường trong khi báo chí và mạng xã hội lan truyền một văn bản của tập đoàn này gửi Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ cho hoạt động chống dịch.
Cụ thể, doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng lãnh đạo đã đề nghị tài trợ khẩn cấp cho Đà Nẵng 100 máy thở xâm nhập VFS 520, một trong hai mẫu máy thở “made in Vietnam” đầu tiên do Vinsmart phát triển, được công nhận chính thức bởi Bộ Y tế.
Trong một diễn biến liên quan khác, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (thuộc Vingroup) cũng vừa thông báo đã phát triển thành công 2 bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (VinKit), đạt chất lượng tương đương các sinh phẩm chẩn đoán theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR do Vinmec nghiên cứu, cải tiến có khả năng tích hợp phản ứng “3 trong 1” được cho biết là giảm được 70% thao tác kỹ thuật, tăng gấp đôi tốc độ thực hiện, đảm bảo độ chính xác cao với chi phí thấp.
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng định hướng trở thành một tập đoàn về công nghiệp - công nghệ
Trở lại với thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 31/7, bất chấp những nỗ lực hồi phục thiết lập vào cuối phiên sáng, các chỉ số vẫn đuối dần về cuối phiên và đồng loạt giảm điểm.
VN-Index đóng cửa giảm 2,74 điểm tương ứng 0,34% còn 798,39 điểm; HNX-Index giảm 0,59 điểm tương ứng 0,55% còn 107,51 điểm và UPCoM-Index giảm 0,06 điểm tương ứng 0,11% còn 54,8 điểm.
Thanh khoản thấp với tổng khối lượng giao dịch toàn phiên trên sàn HSX dừng ở mức 249,63 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu đạt 3.902,24 tỷ đồng. Trên HNX có 31,94 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 273,1 tỷ đồng và con số này trên thị trường UPCoM là 23,37 triệu cổ phiếu tương ứng 188,58 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thanh khoản thấp, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Có 417 mã giảm, 53 mã giảm sàn, số lượng mã giảm đang chiếm ưu thế so với 300 mã tăng, 64 mã tăng trần.
Bên cạnh VIC và VHM thì chỉ số chính còn được hỗ trợ bởi đà tăng tại NVL, MSN, APH, CGC, TCH, PME. Trong phiên này, với diễn biến tăng trần tại DHG và DAT, hai mã này cũng nằm trong top những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất với VN-Index.
Ở chiều ngược lại, tình trạng giảm giá tại VCB, VNM, BID, VRE, TCB, SAB, HPG lại gây áp lực cho chỉ số. Trong đó, riêng VCB kéo sụt của VN-Index 1,06 điểm.
Trong phiên này, SAB giảm 2.100 đồng còn 168.000 đồng; VNM giảm 2.000 đồng còn 107.000 đồng; VJC giảm 1.500 đồng còn 94.500 đồng, VCB cũng giảm 1.000 đồng còn 76.400 đồng.
Phiên cuối tuần, khối nhà đầu tư ngoại thực hiện bán ròng hơn 120 tỷ đồng, trong đó, trên sàn HSX, khối này bán ròng hơn 130 tỷ đồng tập trung tại KDH, MSN, VIC, SAB và mua ròng nhẹ 4,54 tỷ đồng trên sàn HNX với các mã cổ phiếu như DHT, VCS, PMC…
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nhịp điều chỉnh qua nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công song với việc thu hẹp đà giảm đáng kể cũng là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư.
Điểm tích cực lúc này là tình hình dịch bệnh trong nước đang được Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, bên cạnh đó thanh khoản đã được cải thiện.
Do vậy, MBS cho rằng, nhịp hồi có thể vẫn tiếp diễn trong các phiên tới, nhà đầu tư chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là các mã có tín hiệu phục hồi rõ nét trong phiên 31/7.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán VDSC lại đưa ra nhận định, các thông tin của dịch bệnh Covid-19 hiện đang rất tiêu cực và dễ gây ra tâm lý không tốt cho nhà đầu tư. Do đó, VDSC khuyến nghị các khách hàng của họ cần kiên nhẫn đứng ngoài quan sát thị trường trong lúc này và chưa cần thiết phải tham gia vội.
Mai Chi