Những mã cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt thời điểm hiện tại
Chỉ số chính VN-Index tiếp tục có một tuần giao dịch không mấy thuận lợi. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần (20/3) giảm 16,21 điểm tương ứng 2,23% còn 709,73 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,8 điểm tương ứng 0,79% lên 101,79 điểm và UPCoM-Index sụt nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,11% còn 49,85 điểm.
Thanh khoản đạt 230,58 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.216,84 tỷ đồng và đạt hơn 50 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 391,13 tỷ đồng. Thị trường UPCoM ghi nhận có 16,24 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 124,26 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về nhóm cổ phiếu giảm. Theo thống kê, nhóm giảm giá trên cả ba sàn có 382 mã, 81 mã giảm sàn trong khi phía tăng có 280 mã và có 79 mã tăng trần.
Thị trường phiên hôm qua chứng kiến tình trạng bán ra rất mạnh tại nhóm cổ phiếu “trụ” là VIC, VHM và VRE của họ Vingroup.
VIC giảm sàn 6.200 đồng còn 82.500 đồng/cổ phiếu; VHM giảm sàn 4.700 đồng còn 63.800 đồng/cổ phiếu và VRE cũng giảm sàn 1.500 đồng còn 20.400 đồng/cổ phiếu. Cả ba mã cổ phiếu này đều không hề có dư mua vào cuối phiên giao dịch.
Bên cạnh đó, VCB cũng giảm mạnh 4.500 đồng và giảm xuống sát giá sàn, đóng cửa tại 61.500 đồng/cổ phiếu, chỉ còn cách giá sàn đúng 100 đồng.
Có thể thấy, việc gãy trụ đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả của VN-Index trong phiên hôm qua. Tác động tiêu cực từ VIC là 5,98 điểm; từ VCB là 4,76 điểm; từ VHM là 4,49 điểm và VRE xấp xỉ 1 điểm. Tổng cộng, 4 mã này gây thiệt hại cho VN-Index tới 16,22 điểm, ngang với tổng giảm của VN-Index trong phiên.
Nhóm "tội đồ" của VN-Index trong phiên 20/3
Dù vậy, đây vẫn là những cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường hiện tại. Vốn hoá thị trường của VIC sau phiên sụt mạnh ngày hôm qua còn 279.050 tỷ đồng; VCB là 228.096 tỷ đồng và VHM là 209.871 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu FLC cũng tiếp tục có một phiên điều chỉnh giảm. FLC giảm 3,31% còn 3.500 đồng/cổ phiếu; AMD giảm sàn xuống 4.510 đồng; HAI giảm sàn xuống mức giá 4.230 đồng; GAB giảm 0,14% còn 141.600 đồng và ART cũng giảm sàn xuống 2.800 đồng. Đáng chú ý, ROS mở cửa tăng giá nhưng chốt phiên vẫn giảm sàn xuống còn 5.240 đồng/cổ phiếu
Vẫn có những cổ phiếu đạt được mức phục hồi mạnh phiên hôm qua. VJC tăng 5.000 đồng lên 103.000 đồng/cổ phiếu; GAS tăng 2.600 đồng lên 57.900 đồng/cổ phiếu và VNM tăng 1.000 đồng lên 90.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng trong tuần qua, VN-Index có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, giảm tổng cộng 52,05 điểm tương đương giảm 6,83% so với cuối tuần trước. Trên HNX, chỉ số cũng giảm 0,41 điểm tương ứng 0,4% trong suốt cả tuần.
Các chuyên gia BVSC cho rằng, thị trường dự báo sẽ có biến động cân bằng hơn trong tuần tới khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi.
Theo BVSC, rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu tuy nhiên, nhóm chuyên gia này vẫn cho rằng VN-Index sẽ bắt đầu xuất hiện các phiên hồi phục đan xen trong tuần tới.
Với việc nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
Chiến lược đầu tư được đưa ra đó là duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn. Nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể tiếp tục xem xét thực hiện mua do đáy với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ 660-700 điểm.
Mai Chi