Một phiên giao dịch cuối tuần nghẹt thở với giới đầu tư khi những thông tin bất lợi về dịch Covid-19 liên tiếp được đưa ra. Đã có những sự chuẩn bị nhất định về một pha "bán tháo" ngay từ đầu phiên - giống như những gì từng xảy ra ở những đợt bùng dịch trước đây.
Hơn nữa, đây cũng là phiên mà cổ phiếu T+3 của phiên "hàng giá rẻ" ngày 3/5 về đến tài khoản nhà đầu tư. Do đó, áp lực chốt lời ngắn hạn là rất đáng kể.
Tuy nhiên, cú bán tháo phủ đầu đã không xảy ra. Toàn phiên giao dịch 7/5, chỉ số chính VN-Index hầu như vẫn chỉ hoạt động dưới ngưỡng tham chiếu. Cổ phiếu giảm giá la liệt trên cả 3 sàn nhưng biên độ giảm vẫn không thực sự sâu và không cho thấy có sự hoảng loạn tháo chạy.
Đã không xảy ra tình trạng hoảng loạn tháo chạy trong phiên cuối tuần (ảnh chụp màn hình).
Có vẻ như kinh nghiệm của 3 đợt dịch đầu tiên đã khiến nhà đầu tư trên thị trường được "trui rèn" bản lĩnh và không còn bán bằng mọi giá.
Khi VN-Index đã thủng 1.240 điểm và về sát ngưỡng 1.230 điểm thì dòng tiền mạnh vẫn đổ vào thị trường để bắt hàng giá rẻ. Nhờ đó, cuối phiên, VN-Index hồi phục về 1.241,81 điểm, mức thiệt hại thu hẹp còn 8,76 điểm tương ứng 0,7%.
Cổ phiếu VN30 vẫn hỗ trợ thị trường và kéo chỉ số. VN30-Index chỉ giảm 3,91 điểm tương ứng 0,29%. Trong khi đó, VNMID-Index giảm 15,58 điểm tương ứng 1,05% và VNSML-Index giảm 9,72 điểm tương ứng 0,75%.
Thống kê cho thấy số mã giảm giá trên toàn thị trường lên tới 664. 40 mã giảm sàn so với 335 mã tăng, 88 mã tăng trần. Hầu hết cổ phiếu VN30 giảm, tuy nhiên vẫn có một số mã rất khỏe như HDB tăng 4,2%; TPB tăng 3,4%; HPG tăng 2,4%; CTG tăng 2,1%; REE tăng 1,8%.
Ở phiên này, cổ phiếu VNM của Vinamilk vẫn trượt dài và không có dấu hiệu ngừng tuột dốc. Hiện tại, thị giá VNM đã chỉ còn 87.000 đồng/cổ phiếu sau khi đánh mất 2,9%. So với mức đỉnh đầu năm, giá cổ phiếu Vinamilk đã giảm 25,2%. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu này.
Lưu ý rằng, với những cổ phiếu có thị giá lớn như Vinamilk, thông thường mỗi nhà đầu tư thường chi hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng để sở hữu cổ phiếu, do đó, thiệt hại tính theo số tuyệt đối là rất nặng nề.
"Cứ mỗi lần thị trường giảm và VNM xuống dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, tôi thường cho đây là các phiên siêu khuyến mại và nhanh chóng mua vào nắm giữ. Nhưng không ngờ là đợt này giá cổ phiếu dò đáy mãi chưa xong" - anh Phan Thanh Hùng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết.
Một số nhà đầu tư ngắn hạn cũng chia sẻ việc bị "kẹp hàng" do để thua lỗ vượt quá 20%. Nguyên nhân là nhà đầu tư đặt kỳ vọng quá lớn vào cổ phiếu, cho rằng cổ phiếu sẽ sớm hồi phục và không tuân thủ kỷ luật về cắt lỗ.
"Mỗi ngày lại chứng kiến một tháng lương cơ bản bốc hơi. Nhưng tôi vẫn quyết định sẽ giữ lại không cắt lỗ, chuyển sang đầu tư trung hạn, dài hạn. Mấy tháng sau tôi không tin là VNM không hồi phục" - chị Nguyễn Hoài Thu, một nhà đầu tư khác cho hay.
Từng là doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất nhì thị trường, hiện tại, vốn hóa Vinamilk đã đứng sau Hòa Phát. Tính tới thời điểm đóng cửa phiên 7/5, giá trị vốn hóa VNM đạt 181.826 tỷ đồng, trong khi vốn hóa HPG là 201.448 tỷ đồng; vốn hóa VHM là 319,412 tỷ đồng; VCB là 259.761 tỷ đồng và VIC là 446.481 tỷ đồng.
Vốn hóa Vinamilk hiện đã đứng sau Hòa Phát (Ảnh chụp màn hình).
Kết quả kinh doanh quý I của Vinamilk suy giảm so với cùng kỳ song vẫn là một trong những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận cao nhất thị trường chứng khoán. Doanh thu thuần trong quý đầu tiên 2021 của Vinamilk đạt 13.190 tỷ đồng và lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 2.576 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so cùng kỳ năm ngoái.
Trở lại với diễn biến trên thị trường chứng khoán, ở phiên thị trường rung lắc mạnh này, đã có 22.420,11 tỷ đồng được giải ngân trên sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 783,04 tỷ đồng. HNX có 114,81 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.167,03 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 97,04 triệu cổ phiếu tương ứng 900,41 tỷ đồng.
Ở phiên này, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 315 tỷ đồng trên toàn thị trường, khối lượng bán ròng 3,2 triệu cổ phiếu. Trong đó, trên sàn HSX, khối nhà đầu tư này bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp với giá trị 328 tỷ đồng tương ứng khối lượng ròng là 1,2 triệu đơn vị. Trong đó, hoạt động bán ròng tập trung tại VPB với 369 tỷ đồng, HPG và VNM.
Mai Chi