Sau năm 2021 VN-Index bứt tốc giúp chứng khoán Việt lọt top tăng mạnh nhất thế giới và giúp các công ty chứng khoán thiết lập đỉnh lợi nhuận, thị trường từ đầu năm 2022 đã đi xuống, không còn là mảnh đất màu mỡ cho cả nhà đầu tư lẫn các bên tham gia thị trường.
Chỉ số chung giảm 25,7% sau 3 quý đầu năm khiến hoạt động đầu tư tiêu cực, tác động xấu đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Một số đơn vị báo lỗ hàng chục tỷ đồng.
Các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán trên thị trường từ đầu năm đến hết quý III đã "bốc hơi" 20-85% thị giá, với hệ số beta của hầu hết các mã đều lớn hơn 1, tương ứng mức giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index.
(Ảnh: SSI). |
Theo thống kê, đến hiện tại có 19 mã cổ phiếu nhóm chứng khoán rơi về dưới mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó, nhiều mã của các đơn vị vừa và lớn như ORS, VDS, SHS, VIX, APS, AGR… Mã VND (thuộc nhóm VN30) phiên 27/10 đã giảm về sát mệnh giá, chỉ còn 10.650 đồng, trở lại vùng giá giữa năm 2020.
Thậm chí, có 6 mã chỉ còn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu là VIG, TVB, SBS, HAC, APG và ART.
Những công ty báo lỗ xuất hiện
Chứng khoán Everest có mức lỗ hơn 187 tỷ đồng trong quý III và là mức lỗ kỷ lục của công ty, do danh mục tự doanh của Everest đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB.
Thời điểm 30/6, lô cổ phiếu NVB của công ty có giá trị trường 465,7 tỷ đồng, tương đương mức lãi 192,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, khoản đầu tư này chuyển sang lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Chứng khoán Asean cũng lỗ hơn 60,6 tỷ đồng do khoản đánh giá tài sản tài chính (FVTPL) giảm gần 109 tỷ đồng.
Chứng khoán APG ghi nhận quý lỗ thứ 2 với hơn 49 tỷ đồng. Trong quý III, APG lỗ danh mục FVTPL hơn 75,6 tỷ đồng.
(Biểu đồ: Thảo Thu). |
Chứng khoán FPT (FPTS) lỗ hơn 49 tỷ đồng quý III, chủ yếu đến do đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng khi giá giảm sâu so với thời điểm cuối quý II. Chứng khoán Phú Hưng cũng đảo chiều từ lãi trước thuế hơn 1,7 tỷ đồng trong quý II sang lỗ hơn 14 tỷ đồng trong quý III.
Ngành chứng khoán chịu áp lực về kết quả kinh doanh khi giá trị danh mục tự doanh sụt giảm, thanh khoản thị trường xuống thấp kéo tụt doanh thu môi giới, nhu cầu margin của thị trường. Năm ngoái, đây vốn là những nguồn thu chủ lực đem lại lợi nhuận "khủng" cho các công ty.
14 đơn vị lãi trăm tỷ
Dù không còn bức tranh "trăm hoa đua nở" như năm trước, song vẫn có nhiều công ty chứng khoán báo lãi. Hiện có khoảng 14 công ty chứng khoán có mức lãi trăm tỷ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã giảm mạnh lợi nhuận so với cùng kỳ.
Chứng khoán TCBS dẫn đầu lợi nhuận với mức lãi trước thuế gần 731 tỷ đồng. Con số "đi lùi" so với mức lãi 1.002 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chứng khoán SSI đạt 382 tỷ đồng và giữ vị trí á quân. Chứng khoán VPS lãi 330 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và xếp vị trí thứ 3, thế chỗ Chứng khoán VNDirect. Với mức lãi trước thuế 116 tỷ đồng trong quý III, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái, VNDirect đứng tạm ở vị trí số 11.
(Biểu đồ: Thảo Thu). |
Chứng khoán VPBank hậu đổi chủ vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng lợi nhuận với mức lãi trước thuế 221 tỷ đồng trong quý III trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 300 triệu đồng.
Điểm tích cực trong quý III là một số công ty chứng khoán chuyển từ lỗ trong quý II sang lãi. Tiêu biểu nhất là Chứng khoán SHS quý II lỗ gần 372 tỷ đồng, sang quý III lãi gần 107 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty lãi vỏn vẹn 20 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán tuy giảm nhiệt so với năm 2021 nhưng so với quý II trước đó vẫn ghi nhận những con số khả quan. Cụ thể, quý II vừa rồi, có tới 24 công ty chứng khoán báo lỗ. Trong đó, 7 đơn vị lỗ trên 100 tỷ đồng. Mức lỗ cao nhất là Chứng khoán APEC với lợi nhuận âm 442 tỷ đồng.
Thảo Thu