Cổ phiếu bất động sản chưa hết "sốt"
Thị trường đóng cửa phiên 5/1 với 542 mã tăng, 78 mã tăng trần so với 517 mã giảm, 9 mã giảm sàn. Trên sàn HSX có 240 mã giảm nhưng chỉ có 1 mã giảm sàn, trong khi đó, phía tăng có 221 mã và có đến 34 mã tăng trần.
Thế nhưng, VN-Index lại ghi nhận điều chỉnh giảm 3,08 điểm tương ứng 0,2% còn 1.522,5 điểm. Tội đồ chính là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó, 19 mã giảm trong rổ VN30 đã "dìm" chỉ số của rổ này đánh rơi tới 12,86 điểm tương ứng 0,83% còn 1.546,01 điểm.
Bộ tứ MSN, VHM, VIC, VCB là "tội đồ" dìm chỉ số (Ảnh chụp màn hình).
Riêng thiệt hại mà MSN gây ra cho VN-Index là 2,81 điểm; VHM là 1,27 điểm; VIC là hơn 1 điểm. Cụ thể, MSN giảm 5,3%; VHM giảm 1,3%l VIC giảm 1%. Bên cạnh đó, VJC cũng giảm 2,4%; ACB giảm 2%; HDB giảm 1,9%; TPB giảm 1,8%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời ngắn hạn và hầu hết đều giảm giá: BVB giảm 2,6%; MSB giảm 2,5%; SHB giảm 2,2%; ACB giảm 2%.
Cổ phiếu ngành chứng khoán phân hóa. Trong khi CSI tăng trần 14,9%; CTS tăng 4,4%; PHS tăng 3,9%; BMS tăng 1,7%... thì APS lại giảm 5,9%; HBS giảm 3,1%. Các "ông lớn" như: HCM, SSI, VCI, VND cũng sụt nhẹ.
Dòng bất động sản cho đến thời điểm này vẫn chưa "hết sốt". Nếu thị trường đất "nóng bỏng tay" thì giá cổ phiếu bất động sản cũng tăng giá chóng mặt thời gian qua.
Nhiều mã bất động sản tăng trần, trắng bên mua và dư mua giá trần lớn như DIG, DRH, LDG, TLD, QCG, VRE, NVT, VPH.
Dòng cổ phiếu nhỏ ồ ạt tăng giá
Đáng chú ý, trong khi nhiều cổ phiếu bluechip bị bán mạnh thì cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình tăng "ầm ầm".
Điều này được minh chứng qua việc VN30-Index giảm gần 13 điểm nhưng VNSML-Index của nhóm vốn hóa nhỏ tăng 26,06 điểm tương ứng 1,18%; VNMID-Index của nhóm vốn hóa trung bình tăng 16 điểm tương ứng tăng 0,71%.
Chỉ số của dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trung bình tăng trong khi VN30-Index giảm mạnh (Ảnh chụp màn hình).
Họ FLC tăng giá mạnh, trong đó, FLC tăng trần, chính thức cán mốc 20.000 đồng. Mã này khớp lệnh gần 41 triệu cổ phiếu và còn dư mua giá trần gần 12,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, ROS cũng tăng trần lên 14.900 đồng; AMD tăng 4,2%; HAI tăng 3,7% và KLF tăng 3,6%.
Cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết tăng đồng loạt, trong đó, FLC và ROS tăng trần (Ảnh chụp màn hình).
Cổ phiếu ngành thực phẩm, đồ uống cũng có một phiên bứt tốc tăng mạnh. ASM, CMX, VHC, BAF, HAG, HSL, LAF, HNG "rủ nhau" tăng trần, nhiều mã không hề còn dư bán. Riêng HAG dư mua trần gần 1,2 triệu đơn vị, BAF dư mua trần gần 1,1 triệu đơn vị và ASM còn dư mua trần gần 1,6 triệu cổ phiếu.
Ở phiên hôm nay, khoảng cách giữa VN-Index và VN30-Index thu hẹp chỉ còn hơn 20 điểm và có vẻ như tâm lý thị trường không còn quá bị tác động bởi nhóm cổ phiếu đầu tàu.
Thêm một điểm tích cực nữa ở phiên này đó là sự cải thiện của thanh khoản trong bối cảnh phần lớn thời gian VN-Index diễn biến trên ngưỡng tham chiếu.
Thanh khoản trên HSX cao hơn hôm qua, khối lượng giao dịch đạt trên 1 triệu cổ phiếu (Ảnh chụp màn hình).
Khối lượng giao dịch trên HSX vượt 1 tỷ cổ phiếu. Cụ thể, sàn này có 1,06 tỷ cổ phiếu giao dịch với giá trị giao dịch là 32.955,67 tỷ đồng. Trong khi đó, con số trên HNX là 131,87 triệu cổ phiếu tương ứng 3.906,95 tỷ đồng và trên UPCoM là 116,01 triệu cổ phiếu tương ứng 2.677,21 tỷ đồng.
Mai Chi