Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu mới lên sàn: Ngậm ngùi chung, may mắn riêng

6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đón 14 cổ phiếu mới lên sàn, trong đó 10 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và 4 cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Với những biến động mạnh của thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2018, diễn biến giá của nhóm cổ phiếu mới niêm yết đã chịu ảnh hưởng nhất định. Theo đó, có 7 mã cổ phiếu giảm giá, 6 mã tăng giá và 2 mã gần như đi ngang so với mức giá tại thời điểm chào sàn.

Trong nhóm cổ phiếu giảm giá, đi đầu là các cổ phiếu ngân hàng mới niêm yết. Tính đến thời điểm hiện tại, cả 3 cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong 6 tháng đầu năm đều giảm so với mức giá chốt phiên giao dịch đầu tiên. 

Đặc biệt, cổ phiếu TCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá phiên chào sàn cũng là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết vào đầu tháng 6. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, cổ phiếu TCB đóng cửa ở mức 26.200 đồng/cổ phiếu, giảm gần 23% chỉ trong vòng hơn 1 tháng. 

Diễn biến tương tự cũng diễn ra đối với cổ phiếu TPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, hay HBD của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM, dù các nhà băng kể trên đều báo lãi tích cực trong 6 tháng đầu năm. 

Trong giai đoạn thị trường liên tục phá đỉnh cũ, cổ phiếu ngân hàng luôn nằm trong nhóm giao dịch sôi động. Dù đã có một vài đơn vị đưa ra khuyến nghị rủi ro về định giá với cổ phiếu ngân hàng, nhưng ở kịch bản thị trường tiếp tục thiết lập những đỉnh cao mới, không thể vắng bóng nhóm cổ phiếu này. 

Hiện tại, kỳ vọng đã không thành hiện thực, hầu hết cổ phiếu ngân hàng, bao gồm các cổ phiếu đã niêm yết trước đó, đều giảm giá trong 3 tháng qua. Các nhà đầu tư trót mua vào thời điểm thị trường hưng phấn buộc phải lựa chọn cắt lỗ hoặc nắm giữ dài hạn.

Đáng chú ý, bên cạnh nhóm ngân hàng, những cổ phiếu được thị trường quan tâm tại thời điểm niêm yết như FRT, YEG… cũng chịu chung số phận. Trong khi đó, các cổ phiếu “vững phong độ” tăng giá so với mức chào sàn đến nay lại là những cái tên ít được chú ý, mà cổ phiếu VPG của Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát là một ví dụ điển hình. Theo đó, cổ phiếu VPG đã tăng giá hơn 40% so với thời điểm niêm yết vào giữa tháng 1/2018. 

Với vốn điều lệ gần 230 tỷ đồng, doanh thu trong 3 năm trở lại đây của VPG duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, từ mức 602 tỷ đồng năm 2015 lên mức 2.117 tỷ đồng năm 2017. Lợi nhuận từ 5,4 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng trong năm 2017. 

Năm nay, Công ty đặt kế hoạch khá tham vọng với doanh thu 3.048 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực không nhỏ bởi trong quý I/2018, VPG ghi nhận doanh thu giảm hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 385 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sụt giảm. 

Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Công ty, lãnh đạo chủ chốt đang nắm giữ khoảng 60% vốn điều lệ. Kể từ khi niêm yết, VPG hầu như không ghi nhận giao dịch nào từ cổ đông nội bộ. Mặc dù tỷ lệ cổ phiếu tự do khá lớn, nhưng giao dịch trung bình của cổ phiếu VPG đạt khoảng 50.000 đơn vị/phiên kể từ thời điểm niêm yết đến nay. Thực tế, việc dòng tiền chưa tìm đến cũng giúp lý giải vì sao cổ phiếu này vẫn vững thành quả trước biến động của thị trường chung.  

Một cổ phiếu khác cũng tăng trưởng khi thị trường lao dốc là TGG của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Giang khi leo dốc gần 30% sau chưa đầy 2 tháng giao dịch trên HOSE. Trước đó, Đầu tư Chứng khoán đã có bài viết phản ánh về cổ phiếu này, khi Công ty hoạt động chính tại lĩnh vực xây dựng, nhưng doanh thu và lợi nhuận lại chủ yếu đến từ các dự bán bất động sản và nuôi heo. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ghi nhận mức giảm giá cao nhất trong nhóm mới niêm yết năm 2018 là X20 của Công ty cổ phần X20. Trong vòng 6 tháng niêm yết, X20 đã mất hơn 34% về thị giá so với mức giá chào sàn. Đáng chú ý, trong 15 phiên giao dịch gần đây nhất, X20 hầu như không có giao dịch nào diễn ra. 

Nhìn vào hoạt động kinh doanh, X20 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm về doanh thu nhưng lợi nhuận có xu hướng giảm, từ mức 37 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 30 tỷ đồng năm 2017. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của X20 đều không hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. 

Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.029 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng nhưng kết thúc quý I/2018, X20 chỉ mới hoàn thành 16,7% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vỏn vẹn 296 triệu đồng.

Theo Ngọc Phàm
ĐTCK