Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết bị bán mạnh

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh VN-Index “xanh vỏ đỏ lòng”, thị trường tăng nhờ cổ phiếu Vingroup thì phần lớn chứng khoán trên sàn vẫn giảm. Nhóm FLC bị bán mạnh, trong đó FLC và ROS đã xuống đáy lịch sử.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/3, các chỉ số chính giằng co, rung lắc trước khi đóng cửa với trạng thái trái chiều.

Trong khi VN-Index tăng 1,85 điểm tương ứng 0,27% lên 696,06 điểm thì HNX-Index lại giảm 0,46 điểm tương ứng 0,47% còn 97,35 điểm và UPCoM-Index giảm 0,18 điểm tương ứng 0,36% còn 48,82 điểm.

Thanh khoản đạt 327,99 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.420,11 tỷ đồng và đạt 40,6 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 316,16 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 10,43 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 79,38 tỷ đồng.

Tuy chỉ số chính tăng nhưng sắc đỏ vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường phiên cuối tuần với số lượng 425 mã giảm, 86 mã giảm sàn, gần gấp đôi so với số lượng mã tăng (250 mã tăng và 54 mã tăng trần).

Đáng chú ý là VHM hôm qua quay đầu giảm 1.000 đồng còn 60.000 đồng và theo đó là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, gây thiệt hại cho chỉ số 0,95 điểm.

MWG giảm sàn, mất 4.700 đồng còn 63.300 đồng/cổ phiếu. Mã này khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị nhưng vẫn còn dư bán giá sàn và không hề có dư mua. HDB cũng giảm sàn còn 18.250 đồng/cổ phiếu.

QCG của Quốc Cường Gia Lai có diễn biến tương tự khi giảm sàn về 6.170 đồng/cổ phiếu, thanh khoản yếu, chỉ đạt hơn 10 nghìn đơn vị và hoàn toàn trắng bên mua trong khi vẫn còn dư bán giá sàn.

Nhóm cổ phiếu họ FLC diễn biến tiêu cực. FLC phiên này giảm sàn xuống còn 2.850 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh mạnh đạt gần 13,5 triệu đơn vị. Đây cũng là vùng giá thấp nhất lịch sử của FLC kể từ khi mã này niêm yết tới nay. Tính trong 1 tháng qua, FLC đánh mất gần 26% giá trị.

Cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết bị bán mạnh - 1

Diễn biến giá FLC trong 3 tháng qua

Tương tự, AMD cũng giảm sàn còn 3.160 đồng, thanh khoản yếu, khớp lệnh chỉ đạt 277 nghìn đơn vị trong khi không có dư mua, dư bán sàn gần 1 triệu cổ phiếu. HAI cũng giảm sàn còn 2.970 đồng, dư bán sàn hơn 5,6 triệu đơn vị và cũng trắng bên mua.

ROS giảm 5,76% còn 3.760 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” gần 23,6 triệu đơn vị. Phiên này, ROS thiết lập mức đáy của mã này trong lịch sử niêm yết của FLC Faros.

Theo thống kê, ROS đã đánh mất gần 52% giá trị chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua và giảm giá tới hơn 81% so với 3 tháng trước.

Cổ phiếu liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết bị bán mạnh - 2

Diễn biến cổ phiếu ROS trong 1 năm trở lại đây

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, VIC tăng giá mạnh (tăng 5.000 đồng lên 86.800 đồng/cổ phiếu) và tiếp tục đóng vai trò là “đầu tàu” kéo VN-Index tăng 4,82 điểm.

Ngoài ra, VCB, SAB, VRE, CTG, SBT cũng diễn biến khá tích cực và hỗ trợ cho chỉ số chính: SAB tăng 4.600 đồng lên 129.600 đồng; VCB tăng 900 đồng lên 64/100 đồng; VRE, MSN, CTG, VNM đều tăng giá.

VN-Index tiếp tục rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” cho thấy sự lệ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là VIC. Tuy vậy, điểm tích cực là khối ngoại đã không còn giao dịch tiêu cực như trước, chấm dứt chuỗi bán ròng liên tục bằng động thái mua ròng trở lại với giá trị 31 tỷ đồng toàn thị trường.

Trên sàn HSX, chuỗi bán ròng 33 phiên liên tiếp của khối ngoại đã kết thúc bằng việc mua ròng trở lại 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về khối lượng thì khối nhà đầu tư này vẫn bán ròng 3,6 triệu cổ phiếu.

Đứng đầu danh sách bán ròng là MSN với giá trị bán ròng gần 41 tỷ đồng, sau đó là STB, HPG, VRE, VIC… Ngược lại, VNM là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 61 tỷ đồng. CTG, VCB, PLX, VHM, SAB cũng được mua ròng.

Theo nhận định của BVSC, tuần tới, VN-Index dự báo sẽ dao động với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 653- 720 điểm. Thị trường có thể chịu biến động mạnh trong những một vài phiên đầu tuần và lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 653-673 điểm.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động khó lường của thị trường thế giới.

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Mai Chi