Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu họ FLC "bung nóc" trong phiên giao dịch tỷ đô của chứng khoán

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong khi áp lực chốt lời ngắn hạn khiến hơn 500 mã cổ phiếu trên thị trường giảm giá, nhà đầu tư nước ngoài bán ra kịch liệt thì nhóm cổ phiếu liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết vẫn tăng mạnh.

Một phiên giao dịch cực kỳ căng thẳng trong phiên giao dịch cuối tuần (14/5). Mặc dù phần lớn thời gian các chỉ số chính vẫn hoạt động trên đường tham chiếu, tình trạng rung lắc và giằng co khiến nhà đầu tư vô cùng mệt mỏi trước quyết định chốt lời hay không khi VN-Index dao động ở ngưỡng 1.270 điểm.

Đóng cửa, chỉ số chính vẫn đạt được mức tăng 4,37 điểm tương ứng 0,35% lên 1.266,36 điểm trong khi HNX-Index tăng 7,69 điểm tương ứng 2,68% lên 294,72 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm tương ứng 0,21% còn 81 điểm.

Cổ phiếu họ FLC bung nóc trong phiên giao dịch tỷ đô của chứng khoán - 1

VN-Index dù phần lớn thời gian duy trì được trạng thái tăng giá nhưng diễn biến đi ngang rất khó chịu (ảnh chụp màn hình).

Áp lực chốt lời ngắn hạn thể hiện khá rõ qua số lượng mã giảm điểm lớn hơn số mã tăng. Theo thống kê, toàn phiên trên cả 3 sàn có 506 mã giảm giá, 37 mã giảm sàn so với 455 mã tăng giá, 100 mã tăng trần.

Một số mã trong rổ VN30 điều chỉnh giảm, có thể kể đến SBT giảm 2,7%; GAS giảm 1,8%; VNM giảm 1,1%; VIC, VRE, BID, HPG, PNJ mất giá. Tuy nhiên, vẫn có đến 22 mã trong rổ VN30 tăng và đã giúp chỉ số VN30-Index tăng 9,84 điểm tương ứng 0,72% lên 1.380,02 điểm.

Riêng MSN tăng ấn tượng 5% và có lúc đã áp sát mức giá trần. HDB tăng 3%, VPB tăng 2,3%; TCH tăng 2,3%; REE tăng 1,8%; MWG tăng 1,8%.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa (penny, midcap) ở trong phiên này cũng đã bị chốt lời. Theo đó, VNMID-Index chỉ tăng 2,8 điểm tương ứng 0,19% còn VNSML-Index giảm 1,36 điểm tương ứng 0,1%.

Dù vậy, riêng nhóm cổ phiếu liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết lại diễn biến rất tích cực. Đóng cửa, trong nhóm này có FLC tăng trần lên 12.250 đồng/cổ phiếu, các lệnh bán dù dồn dập nhưng đều được "quét" một cách sạch sẽ, dư mua trần cuối phiên đến hơn 15,2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, KLF cũng tăng trần lên 5.700 đồng và được khớp gần 12 triệu cổ phiếu; HAI tăng giá 5,3%; ROS tăng 3,4%; ART tăng 2% và AMD tăng nhẹ 0,7%.

Cổ phiếu họ FLC bung nóc trong phiên giao dịch tỷ đô của chứng khoán - 2

Nhóm cổ phiếu "họ FLC" hầu hết tăng giá mạnh và giao dịch khỏe (ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý, tiền vào thị trường vẫn vô cùng mạnh mẽ, bất chấp trong phiên khối ngoại bán ròng kịch liệt. Cụ thể, khối ngoại bán ròng kỷ lục trong vòng 4 tháng trở lại đây với tổng giá trị 1.670 tỷ đồng trên cả 3 sàn giao dịch.

Trong đó, khối nhà đầu tư này bán ròng 32,4 triệu cổ phiếu trên sàn HSX với giá trị bán ròng 1.614 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng tập trung vào những mã đầu ngành, trụ lớn như HPG, CTG, VIC, MBB, VNM.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nguồn tiền trong nước vẫn "cân" thị trường rất tốt khiến cổ phiếu không bị bán tháo và chỉ số không bị rơi vào tình trạng giảm điểm.

Trên sàn HSX, giá trị giao dịch suýt soát cán mốc "tỷ đô" với 22.032,23 tỷ đồng được giải ngân, khối lượng giao dịch đạt 730,98 triệu cổ phiếu. HNX có 139,29 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 2.917,46 tỷ đồng; UPCoM có 84,21 triệu cổ phiếu tương ứng 865,83 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp tại cổ phiếu của VPB, SHB, FLC, STB, HPG, ROS… Trong đó, VPB được khớp lệnh tới 44,4 triệu cổ phiếu; SHB khớp trên 42 triệu cổ phiếu; FLC khớp 41,9 triệu cổ phiếu; STB khớp 32,7 triệu cổ phiếu…

Cổ phiếu họ FLC bung nóc trong phiên giao dịch tỷ đô của chứng khoán - 3

Những mã cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất thị trường phiên cuối tuần (ảnh chụp màn hình).

Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), với áp lực chốt lãi ngắn hạn trong thị trường, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1250 -1280 điểm trong các phiên giao dịch tới.

Còn các chuyên gia phân tích tại BVSC lại duy trì quan điểm cho rằng, thị trường sẽ hình thành kênh giá dao động theo hướng đi ngang để tạo nền giá mới trên mốc 1.200-1.220 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.275-1.285 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác định lại xu thế tăng điểm trong thời gian tới.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu và có thể xem xét giải ngân tăng nhẹ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm.

Mai Chi