Tập đoàn FLC vừa có đợt biến động mạnh về nhân sự cấp cao. Sau khi ông Trần Quang Huy rời khỏi vị trí Tổng giám đốc thì tập đoàn này cũng đã công bố việc bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ điều hành doanh nghiệp.
Bà Hương Trần Kiều Dung đã chính thức kiêm nhiệm chức vụ CEO của FLC từ 18/7“Nữ tướng” của ông Trịnh Văn Quyết có bằng tiến sĩ Luật Quy hoạch xây dựng của Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp, và có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, sau phiên giảm nhẹ ngày 19/7, sáng nay, cổ phiếu FLC bất ngờ tăng trần mạnh mẽ lên 5.410 đồng/cổ phiếu bất chấp thị trường diễn biến tiêu cực.
Thanh khoản FLC gấp đôi HAG và dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 18,7 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, cuối phiên sáng tại mã này vẫn có dư mua trần gần 3 triệu đơn vị trong khi không hề còn dư bán.
Trong khi có nhiều hoài nghi của giới quan sát về tính khả thi “giấc mơ bay” của tỷ phú Trịnh Văn Quyết thì hơn 1 tuần trước, Bamboo Airways đã chính thức được Chính phủ cấp phép.
Tập đoàn này cũng đã ký kết thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO của Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner của Boeing. Tổng trị giá các thỏa thuận này vào khoảng 8,6 tỷ USD.
Về vốn, mới đây, ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse AG cũng đã giải ngân lần 1 cho FLC gói tín dụng 200 triệu USD. Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền góp vốn tại công ty con, nhằm bổ sung vốn cho dự án và vốn lưu động của FLC. Thời hạn khoản vay là 2,5 năm đến 3 năm, theo từng đợt giải ngân.
Trong khi giao dịch bùng nổ tại FLC thì thanh khoản trên thị trường phiên sáng nay có phần trầm lắng hơn so với các phiên trước. Khối lượng giao dịch HSX ghi nhận 105,4 triệu cổ phiếu, dòng tiền đạt 1.935,4 tỷ đồng. Còn tại HNX, con số này lần lượt là 27 triệu cổ phiếu và 351,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu FLC bất ngờ tăng trần và được giao dịch mạnh bất chấp thị trường diễn biến tiêu cựcTrong bối cảnh có tới 171 mã giảm giá (12 mã giảm sàn) và chỉ có 97 mã tăng giá, chỉ số sàn HSX (VN-Index) đã đánh mất 11,47 điểm tương ứng 1,22% còn 832,5 điểm. HNX-Index cũng chấp nhận mất 1,18 điểm tương ứng 1,11% còn 104,41 điểm với 75 mã giảm giá (12 mã giảm sàn) so với 55 mã tăng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “đỏ sàn” với mức mất giá mạnh tại VPB (giảm 1.500 đồng), VCB (1.400 đồng), CTG, BID, ACB, MBB…
SAB tiếp tục diễn biến xấu, mất 3.000 đồng còn 212.000 đồng/cổ phiếu, VCI đảo chiều mất 2.300 đồng, GAS mất 1.700 đồng, PLX mất 1.300 đồng, HPG mất 900 đồng. VNM, ROS, VIC cũng đều mất giá. Ngược lại, VHM tăng nhẹ 300 đồng, HSG, HNG… tăng giá và có thanh khoản tốt.
Trước phiên giao dịch hôm nay, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lưu ý rằng, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trên diện rộng trong bối cảnh VN-Index đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp và xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục được duy trì.
Thị trường được dự báo có xu hướng lình xình đi ngang trong các phiên sắp tới với diễn biến phân hóa cao ở cao nhóm cổ phiếu phụ thuộc báo cáo kết quả kinh doanh quý II được công bố.
Còn theo khuyến nghị của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn cần chú ý sự vận động của dòng tiền, đặc biệt là ở những cổ phiếu “trụ” và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, để ra các quyết định đầu tư kịp thời.
Ngược lại, nhà đầu tư dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang được giao dịch ở mức giá hấp dẫn so với thị trường chung và vẫn có thể được duy trì được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Mai Chi