Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh, “ông trùm” ngành khí giảm lãi mạnh vì Covid-19

Mai Chi
Mai Chi

Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều bất lợi vì dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trong đó có khí/LPG, lợi nhuận của GAS giảm 31%. Cổ phiếu GAS cùng nhóm dầu khí tiếp tục mất giá dù thị trường hồi phục.

Phiên giao dịch hôm qua (22/4), giữa lúc thị trường hồi phục thì nhiều cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến tiêu cực. GAS giảm 1.000 đồng còn 63.500 đồng; PLX giảm 200 đồng còn 40.700 đồng; PVI, PVS, PVD, PVB, PVC, PXS… cùng giảm. Một số mã đạt được trạng thái tăng là PLC, PXL, PTL, POS.

Riêng PV GAS đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 với tổng doanh thu trên 17.500 tỷ đồng, lãi trước thuế trên 2.600 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 2.100 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận của “ông trùm” ngành khí Việt Nam lần lượt giảm 6,6% và 31% so với cùng kỳ.

PV GAS gặp khó trong quý I khi các ngành sản xuất nói chung bị trì trệ

Kết quả kinh doanh của PV GAS đặt trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều bất lợi vì dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trong đó có khí/LPG.

Giá dầu giảm từ đầu tháng 2, liên tục giảm sâu trong tháng 3 và đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch (60 USD/thùng).

Giá CP của LPG liên tục giảm từ đầu năm (giá CP tháng 3/2020 giảm 70,0 USD/tấn so với tháng 2 và giảm 122,5 USD/tấn so với tháng 1/2020). Bên cạnh đó số sự cố phía thượng nguồn xảy ra đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung của khí.

Về thị trường chứng khoán, gần như đi ngang trong phiên chiều, chỉ số chính VN-Index kết phiên 22/4 với mức tăng nhẹ 2,08 điểm tương ứng 0,27% lên 768,92 điểm trong khi HNX-Index bứt phá, tăng 2,1 điểm tương ứng 2,01% lên 106,8 điểm. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm tương ứng 0,56% lên 51,46 điểm.

Thanh khoản đạt 253,43 triệu cổ phiếu tương ứng 4.245,25 tỷ đồng trên HSX và đạt 44,26 triệu cổ phiếu tương ứng 418,13 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM ghi nhận có 15,64 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 161,71 tỷ đồng.

Số lượng mã tăng giá áp đảo trên quy mô toàn thị trường với tổng cộng 415 mã, trong đó có 66 mã tăng trần. Chiều ngược lại vẫn có 256 mã giảm giá, 37 mã giảm sàn trên cả 3 sàn.

Rổ VN30 với 20 mã tăng, 9 mã giảm và 1 mã đứng giá, chỉ số này đạt mức tăng khá mạnh 7,77 điểm tương ứng 1,1% lên 714,42 điểm.

Trong đó, một số mã có diễn biến rất tích cực, có thể kể đến SAB của Sabeco với mức tăng 5.000 đồng/cổ phiếu lên 175.000 đồng; MWG tăng 2.600 đồng lên 82.000 đồng, FPT tăng 1.800 đồng lên 51.100 đồng, MSN tăng 1.600 đồng lên 58.200 đồng.

Bên cạnh đó là đà tăng tại một số mã khác như: BID tăng 1.500 đồng, BVH tăng 1.400 đồng, VNM, VPB, CTG cũng tăng.

The đó, hôm qua, BID là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp cho chỉ số lên tới 1,72 điểm, trong khi SAB cũng góp phần tác động 0,91 điểm cho chỉ số chung.

Chiều ngược lại, VHM, VCB, VRE, VIC giảm giá đã gây áp lực đáng kể cho VN-Index. VHM giảm 2.600 đồng xuống 65.400 đồng khiến VN-Index thiệt hại 2,48 điểm; VCB giảm 2.200 đồng và gây thiệt hại 2,32 điểm.

Trước những diễn biến vừa qua của thị trường, BVSC cho rằng, VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực giảm trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự 773-780 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Theo BVSC, về tổng thể, thị trường vẫn đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh về vùng hỗ trợ 700-730 điểm trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới.

Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp “bulltrap” (bẫy tăng giá) của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để canh bán giảm tỷ trọng.

Mai Chi