Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu bất động sản tăng "điên cuồng" sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sau vụ đấu giá rúng động với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm, cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán "nổi sóng", tăng "điên cuồng".

Cổ phiếu BĐS "dậy sóng"

Như tin đã đưa, trong ngày 10/12, 4 lô đất tại Thủ Thiêm đã được đấu giá thành công, trong đó, cá biệt lô 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (đại diện cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng, tương ứng mỗi m2 chạm ngưỡng 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm.

Phiên đấu giá này gây rúng động dư luận, ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch bất động sản (BĐS) ở Việt Nam có mức giá cao ngất ngưởng như trên.

Cổ phiếu bất động sản tăng điên cuồng sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm - 1

Cổ phiếu BĐS đã "sốt" lại càng thêm "nóng" sau vụ đấu giá ở Thủ Thiêm (Ảnh minh họa).

Theo quy định, trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, Ngôi Sao Việt sẽ phải trả 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách Nhà nước và 60 ngày tiếp theo phải thanh toán đủ số tiền còn lại.

Chưa rõ phía Ngôi Sao Việt sẽ thu xếp ra sao. Nếu thương vụ thuận lợi, Ngân sách Nhà nước sẽ có thêm một khoản tiền lớn. Mặc dù vậy, ngay ở thời điểm hiện tại, vụ đấu giá nói trên đã khiến cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán "nổi sóng", tăng "điên cuồng".

Ở phiên giao dịch ngày 16/12, trong bối cảnh thị trường chung giằng co, VN-Index bị nhóm cổ phiếu VN30 "đè giá" thì nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tăng bất chấp. Hàng loạt cổ phiếu trong ngành này tăng trần và hiện đã giúp nhà đầu tư "ăn bằng lần" chỉ trong thời gian ngắn.

Cụ thể, trong phiên hôm qua, chỉ số ngành bất động sản (theo VNDirect) đã tăng 0,93% với tổng giá trị giao dịch của các cổ phiếu trong ngành đạt 5.834 tỷ đồng.

DIG, LDG, QCG, AMD, AGG, ITA, PTL, FLC, TLD đều tăng kịch biên độ trên sàn HSX, nhiều mã trong số này trắng bên bán và dư mua trần ở mức cao. Chẳng hạn LDG khớp lệnh 23,2 triệu cổ phiếu và vẫn còn dư mua giá trần gần 3,1 triệu đơn vị; ITA khớp 23,9 triệu cổ phiếu; FLC khớp 35,5 triệu cổ phiếu và còn dư mua giá trần 10,8 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu có đất ở Thủ Thiêm cũng đang có đà tăng rất tốt. NBB của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy tăng 3,31% lên 42.150 đồng; CII của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM tăng trần lên 33.850 đồng. DXG của Tập đoàn Đất Xanh cũng có phiên tăng giá tích cực 6,47% lên 36.200 đồng.

Tiếp đà tăng, đến sáng nay, LDG, LGL, TIP, HAR, VPH tăng trần; PTL tăng 4,5%; DIG tăng thêm 4,1%; HDC tăng 3,6%; VHM tăng 3,5%; KDH tăng 3,3%; VRE tăng 3,3%; D2D tăng 3%.

Cổ phiếu bất động sản tăng điên cuồng sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm - 2

Cổ phiếu BĐS tiếp tục tăng giá mạnh trong sáng 17/12 (Ảnh chụp màn hình).

Trong bản tin thị trường của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), công ty này đánh giá, dòng bất động sản liên tục tăng rất nóng, hết vượt các đỉnh cũ rồi lại thiết lập đỉnh mới.

"Xu hướng tích lũy của nhóm này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại và chúng tôi nhận thấy kỳ vọng tăng giá vẫn còn rất lớn", chuyên gia CSI cho hay.

Lạm phát duy trì thấp, kinh tế hồi phục: "Cửa sáng" cho BĐS năm 2022

Về triển vọng ngành, trong báo cáo chuyên đề vừa công bố, Khối phân tích của VNDirect nhận định, thị trường BĐS sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ 2022 với nguồn cung dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý, trong khi nguồn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển.

Theo lập luận của VNDirect, có ba yếu tố thúc đẩy nhu cầu BĐS nhà ở trong năm 2022. Thứ nhất, thị trường phục hồi diện rộng sẽ giúp thúc đẩy ngành BĐS vào năm tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022. Lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt trung bình khoảng 2,8%/năm trong giai đoạn 2016 -2019 (trước đại dịch Covid-19). Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi.

Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao 70-75% dân số trong nửa đầu 2022. Từ đó, nhóm phân tích dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.

Trong khi đó, rủi ro lạm phát là không đáng lo ngại trong 2 quý tới. Lạm phát Việt Nam đã giảm xuống 2,1% so với cùng kỳ trong tháng 9 (thấp hơn mức tăng 2,8% trong tháng trước). Trong 9 tháng đầu năm 2021, CPI trung bình đạt 1,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4,0%.

VNDirect cho rằng áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong 2 quý tới trước khi tăng lên kể từ quý II/2022 do nhu cầu trong nước phục hồi, Chính phủ không còn giảm giá điện, nước và viễn thông như trong nửa cuối năm 2021 và dự kiến giá năng lượng cao trong năm 2022.

Yếu tố thứ hai hỗ trợ BĐS là lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp kích thích nhu cầu mua nhà.

VNDirect nhận thấy lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2-9,5% trong 9 tháng năm nay, vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. VNDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng vào năm 2022 nhờ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhóm phân tích duy trì quan điểm lãi suất cho vay thế vay mua nhà sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp ít nhất tới cuối quý II/2022, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản.

Yếu tố thứ 3 chính là việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng trong tương lai.

Các biện pháp giãn cách xã hội cùng với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đã làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện vốn đầu tư công trong quý III. Tuy nhiên, đầu tư công phục hồi ổn định trong tháng 10 sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc kể từ cuối tháng 9.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong tháng 10 (đầu tư công) tăng 20,4% so với tháng trước lên 41.700 tỷ đồng. Trong 10 tháng, vốn đầu tư công thực hiện giảm 8,3% so với cùng kỳ xuống 318.600 tỷ đồng, tương đương 64,7% kế hoạch cả năm. Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Do lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, VNDirect tin rằng Chính phủ có thể tung thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội.

Trong dài hạn, theo đánh giá của VNDirect, việc thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp tới thị trường BĐS, sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của BĐS trong các năm tới.

Mai Chi

Tin liên quan