Với những pha “đánh võng” đầy kịch tính trong phiên 11/12, các chỉ số đã khiến giới đầu tư không khỏi nhiều phiên “thót tim”.
Mặc dù phần lớn diễn biến dưới ngưỡng tham chiếu, song với sự bứt phá của một số mã vốn hoá lớn, VN-Index đã được cứu nguy ngay phút cuối, đạt được trạng thái tăng nhẹ 1,48 điểm tương ứng 0,15% lên 961,78 điểm. Đáng chú ý là mức tăng của VN30-Index rất tốt, với 5,11 điểm tương ứng 0,59% và đưa chỉ số này lên 878,27 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số cũng được đẩy tăng 0,34 điểm tương ứng 0,33% lên 102,38 điểm ngay ít phút cuối phiên. Trong khi UPCoM-Index giảm biên độ tăng còn 0,04 điểm tương ứng 0,08% lên 55,4 điểm.
Dù vậy, thanh khoản chưa cho thấy sự bứt phá đáng kể nào. Khối lượng giao dịch tại HSX ở mức 216,47 triệu cổ phiếu tương ứng 4.386,03 tỷ đồng và con số này tại HNX cũng chỉ dừng lại ở 14,63 triệu cổ phiếu tương ứng 165,53 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 6,29 triệu cổ phiếu tương ứng 117,1 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng trong lần xuất hiện hiếm hoi trước truyền thông gần đây (ảnh Bloomberg)
Tâm điểm giao dịch vẫn là ROS của FLC Faros. Mã này thường xuyên có thanh khoản cao nhất thị trường, phiên hôm qua được khớp mạnh với khối lượng lên tới 35,47 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, FLC, AMD, HAI, HPG, VRE, HSG, MBB, ITA và DLG vẫn là những mã được giao dịch sôi động hơn so với phần còn lại của thị trường.
Điểm tích cực là độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá dù mức chênh lệch không cách biệt quá lớn với bên giảm. Cụ thể, toàn thị trường ghi nhận có 310 mã tăng, 48 mã tăng trần so với 277 mã giảm và 21 mã giảm sàn.
Theo đó, trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng như VCB, MBB, TCB, BID và những mã lớn khác như MWG, NVL, VNM đã hỗ trợ đắc lực cho chỉ số và đóng vai trò quan trọng để kéo VN-Index về trạng thái tăng đã thiết lập đầu phiên.
Ở chiều ngược lại, VHM, PLX, MSN, CTG vẫn giảm giá. Do vậy, những mã này đã phần nào gây trở ngại cho chỉ số, tuy nhiên, tác động từ những mã này không lớn.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup hôm qua đứng giá phiên thứ ba liên tiếp ở mức giá 115.900 đồng. Tuy vậy, đây là mức đóng cửa tích cực khi gần như suốt phiên giao dịch ngày 11/12, VIC đều được giao dịch với mức giá thấp hơn mức tham chiếu nói trên.
Mặc dù mức thị giá của VIC hiện này vẫn cao hơn đáng kể so với đáy 95.300 đồng hồi tháng 12/2018, song lại sụt hơn 8% so với mức đỉnh giá 126.100 đồng của ngày 22/8/2019.
Theo thống kê của Forbes tại ngày 11/12, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup hiện ở con số 7,7 tỷ USD và xếp thứ 239 thế giới. Tuy không còn nằm trong top 200 người giàu nhất thế giới ở thời điểm này song so với thời điểm xếp hạng hồi tháng 3/2019 thì giá trị tài sản ròng của ông Vượng đã tăng thêm 1,1 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Forbes có độ “vênh” khá lớn so với Bloomberg. Trong một bài viết vừa đăng tải ít ngày trước, Bloomberg cho biết, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vào khoảng 9,1 tỷ USD với việc sở hữu trực tiếp 26% cổ phần Vingroup, 92% cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (đơn vị nắm 31,6% cổ phần Vingroup) và 49% cổ phần VinFast cùng cổ phần tại nhiều công ty khác.
Hãng tin này qua cuộc phỏng vấn với vị tỷ phú cũng cho biết, ông Phạm Nhật Vượng dự kiến đầu tư 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân cho dự án VinFast và có kế hoạch bán 10% cổ phần Vingroup.
Trở lại với thị trường, theo nhận xét của các chuyên gia chứng khoán từ công ty BVSC, VN-Index đã hình thành điểm hỗ trợ mạnh thứ hai tại vùng 954-955 điểm. Sau nỗ lực hồi phục tương đối tích cực từ vùng hỗ trợ này, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong những phiên còn lại của tuần.
BVSC cho rằng, chỉ số cần bứt phá thành công qua ngưỡng cản quanh 970 điểm để hoàn thành mẫu hình hai đáy nhỏ và xác nhận bước vào nhịp hồi phục với đích đến gần nằm tại 980-985 điểm.
Về mặt thời gian, BVSC vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong giai đoạn nửa cuối tháng 12, đặc biệt là sau khi kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs qua đi.
Mai Chi