Biến động của các chỉ số trong phiên 8/9 (Ảnh chụp màn hình).
VHM và VIC bị nhà đầu tư ngoại bán ròng
Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường tiếp tục giằng co trong phiên 8/9. Gần như suốt cả phiên giao dịch, VN-Index loanh quanh ngưỡng tham chiếu trước khi kiểm định ngưỡng 1.330 điểm an toàn và đóng cửa tại 1.333,61 điểm, ghi nhận mức giảm 8,29 điểm tương ứng 0,62%.
Cổ phiếu VN30 vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt. Những cổ phiếu trụ cột hôm nay vẫn bị bán mạnh và theo đó VN30-Index giảm 10,39 điểm tương ứng 0,72% còn 1.433,71 điểm. VNMID-Index và VNSML-Index của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng chịu ảnh hưởng, nhưng mức giảm ít hơn, lần lượt là 5,65 điểm tương ứng 0,33% và 6,23 điểm tương ứng 0,4%.
HNX-Index ngược lại vẫn giữ được mức tăng 0,8 điểm tương ứng 0,23% lên 347,28 điểm. UPCoM-Index giảm 0,34 điểm tương ứng 0,36% lên 94,36 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng tưởng chừng sẽ là động lực mới cho thị trường thời gian tới thì ở phiên hôm nay, nhóm này vẫn tiếp tục bị bán ra trên diện rộng. Trong đó, VPB giảm 2,4%; MSB giảm 1,9%; EIB giảm 1,9%; TCB giảm 1,7%. Một số mã hiếm hoi giữ được nhịp tăng là LPB, HDB, VIB, đặc biệt NVB tăng trần 9,8%.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ VN30, theo đó, dễ hiểu VN30-Index bị điều chỉnh khá mạnh. Bên cạnh đó, PLX giảm 2,2%; VIC giảm 2%; BVH giảm 2%; VHM giảm 1,6%; VNM giảm 1%; GAS giảm 1%.
VIC hôm nay giảm 1.900 đồng tương ứng giảm tới 2,2% nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, kéo VN-Index giảm 1,72 điểm. Sau khi được chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 17/8, hiện tại, số lượng cổ phiếu VIC mà ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - nắm giữ đạt gần 2,16 tỷ đơn vị.
Theo đó, với mức giảm của VIC, trong phiên hôm nay, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng giảm gần 4.100 tỷ đồng. Tính cả hai phiên điều chỉnh ngày 7 và 8/9, giá trị tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã sụt đi 6.468 tỷ đồng.
Dữ liệu thống kê cuối phiên cũng cho thấy, VHM và VIC là tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong ngày 8/9 với giá trị bán ròng lần lượt là 242 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên toàn sàn HSX là gần 446 tỷ đồng.
Thanh khoản co hẹp: Cung cạn?
Thanh khoản giảm thấp hơn mức trung bình một tháng (Ảnh chụp màn hình).
Trở lại với phiên giao dịch, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng có sự phân hóa. Trong khi phần lớn cổ phiếu các công ty chứng khoán đều bị điều chỉnh thì SSI, VIX tăng trần; PHS tăng 3,6%; AAS tăng 2,4%; HBS tăng và VND cùng tăng 1%. Ngược lại, SBS giảm 4,2%; CTS giảm 3,5%; BVS giảm 3,1%; IVS giảm 2,6%; MBS giảm 2,4%.
Ngành bất động sản, nhiều mã vẫn bị chốt lời mạnh như TEG (giảm sàn), HPX (giảm 6,6%); DRH (giảm 6%); AGG (giảm 2,9%); HTN (giảm 2,6%)… nhưng ngược lại vẫn có những mã giữ trạng thái tăng tốt như VPH tăng trần; VPI tăng 3,2%; KBC tăng 2,6%; SGR tăng 2,4%; IDC tăng 1,7%; API tăng 1,7%.
Cổ phiếu thép gây chú ý với diễn biến tăng giá tích cực tại TLH (tăng 3,4%); HSG (tăng 3,2%); NKG (tăng 2,5%); SMC (tăng 1,5%); HPG (tăng 1,2%).
Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng thanh khoản trên thị trường lại sụt giảm mạnh. Điều này cho thấy lực cung không quá lớn. Hiệu ứng bán tháo đã không xảy ra. Đây được cho là một tín hiệu tích cực.
Cụ thể, tổng khối lượng khớp lệnh trên HSX đạt 626 triệu cổ phiếu tương ứng 19.580 tỷ đồng; trên HNX đạt 117 triệu cổ phiếu tương ứng 2.417 tỷ đồng và trên UPCoM là 75 triệu cổ phiếu tương ứng 1.378 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch (bao gồm cả thỏa thuận) là 25.218 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên HSX cũng thấp hơn mức trung bình một tháng qua.
Mai Chi