Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, chỉ số S&P500 đóng cửa tại 3380,35; chỉ còn cách đỉnh cũ khoảng 6 điểm (tương đương 0,18%).
Chỉ số NASDAQ Composite liên tục tạo đỉnh mới trong những tuần gần đây và đang đóng cửa ở 229,42; cao hơn đỉnh cũ lên tới 12,17%. Chỉ số Dow Jones còn cách đỉnh cũ 5,63%.
TTCK Mỹ liên tục tăng điểm bất chấp ảnh hưởng Covid-19 khiến các chỉ số vĩ mô xấu đi |
Theo các chuyên gia BVSC, với xu hướng liên tục tăng điểm của TTCK Mỹ trong những tuần gần đây, chỉ số Dow Jones và S&P 500 rất có thể sẽ vượt qua đỉnh cũ được hình thành trước dịch.
Như vậy TTCK Mỹ sẽ tiếp tục tạo các đỉnh lịch sử mới, cao hơn thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát.
So sánh với thời điểm trước dịch Covid-19, rõ ràng đa số các biến số về vĩ mô của kinh tế Mỹ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm tới 8,2% so với quý 1. Trước đó,quý 1/2020 GDP đã giảm 1,25% so với quý trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang ở mức 10,2% trong tháng 7.
Chỉ số cảm xúc của người tiêu dùng (Consumer Sentiment Index) cũng giảm xuống mức 72,5; thấp nhất kể từ năm 2013. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cũng bị sụt giảm mạnh trong tháng 04 xuống mức 36,1; tháng 5 xuống mức 39,8. Dù đã phục hồi trong tháng 07 lên mức 50,9 nhưng để trở lại mức như trước dịch cũng cần thêm thời gian.
Về kết quả kinh doanh trong quý 2/2020 của các doanh nghiệp Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Tính đến 7/8/2020, đã có khoảng 89% doanh nghiệp trong chỉ số S&P500 công bố kết quả kinh doanh quý 2. Trong đó, lợi nhuận trong quý 2 đã giảm 33,8%; doanh thu suy giảm 9,8%.
Về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp so với thời điểm trước dịch Covid-19 rõ ràng khó có thể tích cực hơn.
Để kích thích nền kinh tế, FED đã hạ lãi suất điều hành về 0% và mở rộng bảng cân đối kế toán trong thời gian từ cuối tháng 2 đến thời điểm hiện tại 2.787 tỷ USD. Dự kiến trong thời gian tới, FED có thể tiếp tục bơm tiền giúp đảm bảo trợ cấp cho người thất nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của FED đã giúp TTCK Mỹ hồi phục mạnh. Dư địa bơm tiền của Mỹ vẫn còn khá nhiều khi tỷ lệ tổng tài sản FED trên tổng GDP chỉ ở quanh 30%, thấp hơn khá nhiều so với BOJ (trên 100%) và ECB (trên 40%).
Tuy nhiên động thái bơm tiền mạnh của Mỹ cũng tiềm ẩn các rủi ro về bong bóng tài sản hay lạm phát tăng mạnh trong dài hạn.
BVSC cho rằng, TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây đang có tương quan cũng tương đối lớn với TTCK thế giới và những biến động của TTCK Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ có nhiều ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam.
Mai Chi