Chỉ số Dow Jones chốt phiên giảm 305,02 điểm, tương đương 0,9%, xuống mức 33.476,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,73% xuống còn 3.934,38 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,7% xuống 11.004,62 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số Dow giảm 2,77%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9. Chỉ số S&P giảm 3,37%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 3,99%.
Tính chung tuần qua, chỉ số Dow giảm 2,77%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9. |
Thị trường đi xuống trong phiên cuối tuần hôm qua sau khi chỉ số giá sản xuất tháng 11 của Mỹ cho thấy giá bán buôn cao hơn dự kiến khi tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,4% so với năm trước. PPI cốt lõi, không bao gồm biến động giá thực phẩm và năng lượng, cũng cao hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, chỉ số tâm lý của người tiêu dùng lạc quan hơn đã làm giảm bớt một số lo ngại trên. Thị trường đang tập trung sự chú ý vào chỉ số giá tiêu dùng Mỹ dự kiến công bố vào ngày 13/12 và những động thái của Fed trong cuộc họp diễn ra vào ngày 14/12.
Thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp này, nhưng những lo ngại đã gia tăng rằng liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể thiết kế một cuộc hạ cánh mềm và ngăn chặn suy thoái hay không.
Bà Stephanie Lang, Trưởng phòng đầu tư tại Homrich Berg, cho rằng các nhà đầu tư từ lâu đã hy vọng vào sự chuyển hướng của Fed từ lập trường thắt chặt mạnh mẽ hiện nay, nhưng các dữ liệu có vẻ như không ủng hộ cho mong muốn đó.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy lạm phát thực sự giảm xuống gần bằng mức lãi suất quỹ liên bang để Fed tạm dừng, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều chênh lệch giữa các con số đó”, bà nói và cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lạm phát thực sự giảm xuống.
Nhật Linh
Theo CNBC