Fica
  1. Chứng Khoán

Chứng khoán kỳ vọng sự trở lại của dòng tiền cá nhân

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tháng 12/2022 tiếp tục ghi nhận sự dẫn dắt của dòng vốn ngoại, đồng thời, dòng tiền cá nhân trong nước cũng đã giảm bán ròng. Dòng tiền cá nhân nhanh nhạy được kỳ vọng sớm trở lại khi bức tranh thị trường bắt đầu tươi sáng hơn.

Nhiều thách thức

Định giá hấp dẫn cùng những động thái của cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ và giải quyết bài toán thanh khoản ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát phần nào được kiểm soát là động lực giúp chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhịp hồi phục đáng kể từ giữa tháng 11/2022. Tuy vậy, đà tăng này khá mong manh, khi VN-Index chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng 1.100 điểm và tiếp tục có thêm tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Các yếu tố vĩ mô toàn cầu với nhiều biến động bất ngờ, với tâm điểm là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đã tác động mạnh đến chứng khoán thế giới năm 2022 và theo nhiều chuyên gia, đây sẽ tiếp tục là câu chuyện nóng của năm tới.

Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, phản ánh nhanh nhạy với các biến động (Ảnh: BĐT).

Chia sẻ tại talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do Báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023”, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital cho rằng, ẩn số vẫn nằm ở việc chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài trong bao lâu, dựa trên dự báo thời điểm lạm phát cơ bản hạ nhiệt từ mức cao hiện nay. Động thái của các ngân hàng trung ương lớn ngoài Mỹ cũng là một ẩn số, như Nhật Bản có dấu hiệu kết thúc thời kỳ nới lỏng tiền tệ.

“Dù tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chậm lại, nhưng lãi suất vẫn chưa đạt đỉnh và vẫn neo ở mức cao, ảnh hưởng đến chi tiêu và khả năng thanh toán nợ của người dân Mỹ. Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cũng cần được điều chỉnh giảm so với kỳ vọng trước đây. Ngoài ra, sức mua hàng nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt khi Mỹ đang là đối tác giao dịch lớn của Việt Nam”, vị chuyên gia của VinaCapital lý giải.

Cùng quan điểm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, khi rủi ro lãi suất hạ nhiệt, rủi ro suy thoái đang tăng dần lên, thể hiện ở con số bán lẻ của một số ngành hàng tiêu dùng chính tại Mỹ như hàng điện tử, nội thất, mô tô xe máy giảm khá mạnh. Không riêng Mỹ, rủi ro suy thoái của EU hay các thị trường lớn khác sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu.

Dù có nhiều ẩn số phía trước, song mặt tích cực được các chuyên gia chỉ ra là xu hướng chuyển dịch sản xuất để giảm rủi ro, có thể mang về dòng vốn FDI cho Việt Nam. Cùng với đó, câu chuyện mở cửa của Trung Quốc có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này hay hoạt động du lịch được hưởng lợi.

Chờ mùa hoa trở lại

Thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, phản ánh nhanh nhạy với các biến động. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại thường đi trước tất cả những chuyển động vĩ mô cũng như phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý, dòng tiền.

Một dẫn chứng được chuyên gia phân tích từ SSI chỉ ra là động thái mua ròng của khối ngoại trong tháng 10, tháng 11 vừa qua. Theo bà Việt Phương, sự đảo chiều tích cực xuất hiện sau khoảng thời gian dài rút ròng một phần đến từ việc định giá thị trường đã sụt giảm rất mạnh do phản ánh khá nhiều rủi ro trong năm nay, kể cả thời gian sắp tới.

Ngoài việc thị trường đã phản ánh sớm, từ góc nhìn của quỹ đầu tư, người điều hành VESAF nhận định, yếu tố vĩ mô và chính sách tiền tệ thế giới khi USD hạ nhiệt và tốc độ tăng lãi suất của Mỹ giảm dần cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền rời khỏi Mỹ và chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Còn đối với các quỹ ETF, do là quỹ đầu tư đã có sẵn danh mục và thực hiện phân bổ khá nhanh và có thời hạn đầu tư tương đối ngắn hơn, nên việc rút ra có thể khá nhanh. Tuy nhiên, từ quan sát của SSI Research, đến nay, không thấy có sự đảo chiều nào diễn ra quá bất ngờ, nhất là trong thời điểm thị trường Việt Nam đang ở định giá thấp.

Khối ngoại đã mua ròng hơn 20 phiên liên tiếp và cũng chỉ dứt mạch giải ngân trong phiên 22/12. Nguyên nhân chính đến từ câu chuyện rất riêng ở cổ phiếu Eximbank, đóng góp tới 2.847 tỷ đồng bán ròng.

Bên cạnh việc được dòng vốn ngoại dẫn dắt, dòng vốn nội từ các cá nhân trong tháng 12 đã giảm bán ròng. Tín hiệu này cho thấy tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, bớt hoảng loạn và đã nhìn rõ hơn rủi ro thị trường.

Sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân đã là động lực rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo bà Hoàng Việt Phương, sau một năm 2022 rất khó khăn, hầu như các nhà đầu tư đều có tâm thế thận trọng hơn nhiều khi nhìn sang năm 2023. Đã có những nhà đầu tư rời khỏi thị trường. Song, chuyên gia từ SSI này cũng nhận định, với sự nhanh nhạy của nhà đầu tư cá nhân, họ sẽ quay lại rất nhanh, khi thị trường chứng khoán bắt đầu thay đổi với triển vọng tích cực, tươi sáng hơn.

Theo Thanh Thuỳ

Báo Đầu tư