Fica
  1. Chứng Khoán

Chứng khoán “gồng mình” chống đỡ tin Covid-19

Mai Chi
Mai Chi

Số lượng mã tăng trên thị trường vẫn đang lấn lướt số lượng mã giảm giá. Thị trường rung lắc vì áp lực chốt lời ngắn hạn, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang khá vững trước tin Covid-19.

Tâm lý nhà đầu tư trước các thông tin bất lợi về đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn khá vững

Trong sáng nay (6/7), thị trường chịu áp lực chốt lời khá mạnh khiến chỉ số chính VN-Index rung lắc mạnh quanh ngưỡng tham chiếu. Dao động của chỉ số khá rộng, từ sát 1.251 điểm lên gần 1.263 điểm.

Tại thời điểm tạm đóng cửa nghỉ trưa, VN-Index vẫn duy trì được trạng thái tăng nhẹ 0,88 điểm tương ứng 0,07% lên 1.257,31 điểm. Cổ phiếu trong rổ VN30 vẫn đang chi phối xu hướng thị trường. VN30-Index tạm thời tăng 2,59 điểm tương ứng 0,19% lên 1.349,48 điểm.

Ở phiên này, nhiều cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ đã bắt đầu vận động. FIR, TGG, AGM, ITD tăng trần; FLC và ROS cũng tăng trần, khớp lệnh và dư mua trần lớn. VNMID-Index theo đó tăng 13,66 điểm tương ứng 0,92% còn VNSML-Index cũng tăng 1,38 điểm tương ứng 0,11%.

Trên sàn HNX, chỉ số tăng 2,11 điểm tương ứng 0,75% lên 283,04 điểm; UPCoM-Index tăng 0,7 điểm tương ứng 0,87% lên 81,36 điểm.

Tuy nhiên, do chịu áp lực chốt lời nên đã có 394 mã giảm giá, 20 mã giảm sàn trong phiên sáng nay, số lượng mã tăng thu hẹp còn 423 mã, có 45 mã vẫn tăng trần.

Thanh khoản thị trường duy trì khá với khối lượng giao dịch trên HSX đạt trên 399 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 11.359,96 tỷ đồng.

HNX có hơn 59 triệu cổ phiếu giao dịch, giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng và UPCoM có hơn 29 triệu đơn vị giao dịch, giá trị giao dịch hơn 500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên tới khi áp lực bán chốt lời T+ có chiều hướng gia tăng.

Đồng thời, dòng tiền vẫn có thể sẽ tiếp tục phân hóa và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên chiến lược ngắn hạn vẫn là lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Mặc dù rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng giảm nhưng cơ hội chỉ chủ yếu tập trung ở các nhóm cổ phiếu mạnh như ngân hàng, thép.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn hồi phục nhẹ cho thấy tâm lý đã bớt bi quan hơn so với giai đoạn trước, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao.

Mai Chi

Tin liên quan