Giằng co căng thẳng trong suốt phiên giao dịch đầu tháng 11, những người cầm cổ phiếu đã không còn kiên nhẫn và gia tăng áp lực bán khiến các chỉ số đồng loạt giảm mạnh ở phiên chiều.
VN-Index lao dốc mất 9,59 điểm tương ứng 0,76%, đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.254,89 điểm. VN30-Index giảm 12,98 điểm tương ứng 0,97%; HNX-Index giảm 0,95 điểm tương ứng 0,42% và UPCoM-Index giảm 0,41 điểm tương ứng 0,45%.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trong bức tranh chung của thị trường. Có tổng cộng 560 mã giảm với 33 mã giảm sàn so với 285 mã tăng, 38 mã tăng trần. Toàn phiên vẫn còn 586 mã không xảy ra giao dịch nào.
Mặc dù cổ phiếu giảm giá trên diện rộng nhưng vẫn chưa đủ kích thích dòng tiền giải ngân. Giới đầu tư vẫn giữ chặt tiền mặt khiến khối lượng giao dịch trên HoSE toàn phiên 1/11 chỉ đạt 580,5 triệu cổ phiếu tương ứng 14.790,37 tỷ đòng; trên HNX là 38,2 triệu cổ phiếu tương ứng 7.446,43 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 35,94 triệu cổ phiếu tương ứng 329,38 tỷ đồng.
Với 25 mã giảm giá trong rổ VN30, hoạt động bán ra tại những cổ phiếu vốn lớn có ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index. Theo đó, những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số đại diện sàn HoSE là MSN, GVR, VPB, MBB, ACB, HPG, FPT, HVN, VIC và TCB.
Phiên hôm nay, POW giảm 2,9%; MSN giảm 2,7%; ACB giảm 2%; MBB giảm 1,8%; GVR giảm 1,8%; VPB giảm 1,5%; SSI giảm 1,5%; TPB giảm 1,4%; HPG giảm 1,3%... Mức giảm tại các mã này không sâu nhưng tác động cộng hưởng khiến VN-Index thiếu lực chống đỡ.
Hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF nội, chủ yếu tại nhóm VN30, vẫn không thể khiến cho giao dịch trên thị trường trở nên hấp dẫn và nâng đỡ giá cổ phiếu. Thị trường đang cho thấy sự phân hóa sau mùa báo cáo tài chính quý III.
Theo đó, đến hết ngày 31/10, các doanh nghiệp niêm yết cuối cùng cũng đã công bố sức khỏe tài chính. Việc công khai số liệu khiến các dự báo của giới đầu tư sáng tỏ về bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bước đầu có những đánh giá về ngành và nền kinh tế.
Khi tất cả số liệu công khai đồng nghĩa với việc kết thúc kỳ vọng của nhà đầu tư về sự kiện. Thị trường rơi vào vùng trũng thông tin sau mùa báo cáo và phía trước là những kỳ nghỉ lễ cuối năm, các tổ chức, cá nhân đều cần sử dụng tiền mặt vào nhiều mục đích như đáo hạn các khoản vay, thanh toán tiền hàng hóa, nhân công…
Vẫn có một số mã cổ phiếu tăng trần như CIG, HRC, KHP, PSH song thanh khoản tại những mã này tương đối khiêm tốn. Sự bứt tốc tại những mã nhỏ khó dẫn dắt chỉ số.
BCG là cổ phiếu gây chú ý ở phiên hôm nay với mức tăng mạnh 5,2%, có thời điểm tăng trần. Thanh khoản tại BCG cũng dẫn đầu thị trường với khớp lệnh đạt hơn 23 triệu cổ phiếu. Mã cổ phiếu này biến động mạnh sau khi công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu đạt 1.138 tỷ đồng, tăng gần 12% và lãi sau thuế đạt hơn 331 tỷ đồng, tăng đột biết gấp 36 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, hầu hết cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính và bất động sản đều điều chỉnh. Kết phiên, trên HoSE nhóm ngân hàng chỉ có SSB đạt trạng thái tăng giá, tăng 2,4%; BID đứng mức tham chiếu, còn lại đều giảm giá.