Thị trường chứng khoán đã có một khởi đầu bất lợi ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới. Hôm qua, các chỉ số đều giảm sâu với sắc đỏ bao trùm 3 sàn giao dịch.
Số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn trên quy mô toàn thị trường (đồ hoạ: VDSC)
VN-Index đóng cửa phiên 29/6 với mức giảm 22,62 điểm tương ứng 2,65% còn 829,36 điểm; HNX-Index giảm 3,13 điểm tương ứng 2,76% còn 110,32 điểm và UPCoM-Index giảm 0,9 điểm tương ứng 1,59% còn 55,51 điểm.
Thanh khoản được đẩy mạnh hơn trong buổi chiều nhưng vẫn khá khiêm tốn. Tổng giá trị dòng tiền đổ vào HSX đạt 5.564,16 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 389,63 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, trên HNX, khối lượng giao dịch ở mức 53,38 triệu cổ phiếu tương ứng 482,46 tỷ đồng và đạt 22,272 triệu cổ phiếu trên UPCoM tương ứng 222,56 tỷ đồng.
Trên quy mô toàn thị trường có tới 602 mã giảm giá, 91 mã giảm sàn, hoàn toàn lấn át 165 mã tăng và 37 mã tăng trần.
Rổ VN30 có 28/30 mã giảm. Tình trạng sụt giá mạnh tại những cổ phiếu lớn đã gây áp lực đáng kể lên diễn biến chỉ số chính.
SAB giảm 4.300 đồng còn 160.500 đồng, VNM giảm 4.000 đồng còn 111.900 đồng, VIC giảm 2.500 đồng còn 89.000 đồng, GAS giảm 2.500 đồng còn 69.700 đồng, VCB cũng giảm 1.800 đồng còn 81.500 đồng và VHM giảm 1.600 đồng còn 74.000 đồng. BID, MSN, HVN, PLX, BHN đều sụt giá mạnh.
Trong đó, VIC là mã gây thiệt hại nặng nề nhất cho VN-Index với mức tác động kéo giảm VN-Index 2,41 điểm. VCB cũng gây thiệt hại 1,9 điểm, BID là 1,6 điểm, VHM là 1,5 điểm…
Một loạt cổ phiếu nhỏ khác cũng bị xả hàng mạnh. HQC, ITA, FLC, AMD… đồng loạt giảm sàn. Trong số này, một số mã tuy trắng bên mua nhưng vẫn khớp lệnh khá cao như ITA khớp 18,19 triệu đơn vị, FLC khớp 14,28 triệu đơn vị, HQC khớp gần 20 triệu đơn vị.
Chiều ngược lại, cặp cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai là HAG và HNG lần lượt tăng lên 5.200 đồng và 15.400 đồng/cổ phiếu. GAB cũng tăng 1.200 đồng lên 153.900 đồng.
CTD và EIB là hai mã hiếm hoi tăng giá trong rổ VN30. CTD ngược dòng tăng 3.200 đồng lên 70.000 đồng còn EIB cũng tăng 250 đồng lên 18.000 đồng.
Ngoài ra còn phải kể đến diễn biến tăng trần tại PSH, BCG và mức tăng tại VGC, TCH, GEG, FTS… Đây là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, song lực kéo tại những mã này yếu, không thể lay chuyển được cục diện thị trường.
Kỳ tích đang diễn ra tại THD của Thaiholdings - doanh nghiệp của cựu ông bầu bóng đá Nguyễn Đức Thuỵ. Bất chấp thị trường sóng gió, mã này đã miệt mài tăng trần 7 phiên liên tiếp từ mức giá tham chiếu của phiên chào sàn ngày 19/6 là 15.000 đồng hiện đã là 34.200 đồng/cổ phiếu (tương ứng mức tăng 128%).
THD đang leo dốc miệt mài (đồ thị: Stockbiz)
Tuy vậy, điểm yếu của mã cổ phiếu này đó là thanh khoản thấp. Khối lượng giao dịch thường vài trăm đến vài chục nghìn cổ phiếu, do đó, ngay cả khi có tiền mua thì cơ hội khớp lệnh cũng ít thành công do nguồn cung yếu.
Phiên hôm qua cũng chứng kiến diễn biến bán ròng rất mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài. Khối này gia tăng giá trị bán ròng lên 149 tỷ đồng, trong đó bán ròng 147,6 tỷ đồng tại sàn HSX, tập trung tại một số cổ phiếu lớn như VNM (66 tỷ đồng), VIC (19,5 tỷ đồng), BID (12,1 tỷ đồng) và VRE (10,57 tỷ đồng).
Như vậy là sau một thời gian suy yếu, thị trường chứng khoán đã có ngày giảm điểm mạnh, các chỉ số chính đều đang kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ mạnh và chưa có dấu hiệu tích cực.
“Nếu trong những phiên giao dịch tới, các chỉ số chính vẫn được duy trì ở biên trên thì các nhà đầu tư có thể giải ngân nhẹ để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn” - Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý.
Công ty chứng khoán BIDV (BSC) thì nhận xét, với thanh khoản tăng mạnh, biên độ nới rộng với độ rộng thị trường tiêu cực báo hiệu tâm lý bán tháo của thị trường dưới ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực.
Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và theo dõi diễn biến phức tạp của Covid-19 trước khi đưa ra quyết định đầu tư trong giai đoạn tới.
Mai Chi