Những đợt rung lắc đã khiến phiên giao dịch ngày 16/3 trở nên gay cấn và đầy hồi hộp với giới đầu tư. Có những lúc tưởng phục hồi, và có lúc đã đánh rơi hơn 20 điểm, song kết phiên, VN-Index ghi nhận mức thiệt hại 13,92 điểm tương ứng 1,83% còn 747,86 điểm. Nguyên nhân một phần lớn do sự chi phối của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
Trong phiên này, VN30-Index giảm với biên độ lớn hơn, đánh mất 18,47 điểm tương ứng giảm 2,58%. HNX-Index cũng giảm 1,76 điểm tương ứng 1,74% còn 99,62 điểm và UPCoM-Index giảm 0,34 điểm tương ứng 0,67% còn 50,15 điểm.
Thanh khoản có phần đuối hơn so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch trên HSX toàn phiên đạt 292,25 triệu cổ phiếu tương ứng 4.573,7 tỷ đồng và con số này trên HNX là 40,69 triệu cổ phiếu tương ứng 421,29 tỷ đồng và trên UPCoM là 11,1 triệu cổ phiếu tương ứng 141,15 tỷ đồng.
Tuy chênh lệch không lớn nhưng độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về phía các mã giảm. Có 387 mã giảm giá, 64 mã giảm sàn so với 304 mã tăng và 69 mã tăng trần.
Giá trị khối tài sản cổ phiếu của các tỷ phú USD đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua
VCB đóng cửa phiên đầu tuần với mức sụt giảm 3.900 đồng mỗi cổ phiếu xuống còn 67.100 đồng và trở thành mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. Chỉ riêng mã này đã lấy đi của chỉ số tới 4,19 điểm.
BID giảm 2.200 đồng xuống còn 32.800 đồng và cũng gây thiệt hại cho VN-Index tới 2,57 điểm. Chưa kể, VNM giảm 2.100 đồng xuống 97.000 đồng, VPB giảm sàn xuống 20.950 đồng; CTG giảm 1.450 đồng xuống 20.500 đồng… và đây cũng những là những mã có tác động tiêu cực nhất cho VN-Index trong phiên hôm qua.
Tuy vậy, đóng cửa phiên này, một số mã vẫn đạt được kết quả khả quan, SAB tăng 6.000 đồng, GAS tăng 2.300 đồng lần lượt đóng góp 1,12 điểm và 1,28 điểm cho chỉ số chính.
QCG và AMD vẫn tiếp tục giữ phong độ tăng trần, hiện đang ở mức giá 8.920 đồng đối với QCG và 4.550 đồng đối với AMD. Hai mã này đều không hề có dư bán, dư mua giá trần lần lượt hơn 1,22 triệu và 9,93 triệu đơn vị.
Phiên này, VIC đứng tham chiếu sau khi đã đạt được trạng thái tăng vào cuối tuần trước, song vẫn ghi nhận giảm gần 16% trong vòng 1 tháng. VJC thì lại giảm 1.000 đồng tương ứng 0,99% còn 100.000 đồng, đánh dấu thiệt hại 11,89% chỉ sau 1 tuần và mất hơn 22% trong vòng 1 tháng.
Theo thống kê của Forbes, tại ngày 16/3, người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng đang có 5,8 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo có 2,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương và gia đình có 1,5 tỷ USD.
TCB phiên hôm qua cũng giảm 4,38% và nâng mức giảm trong tháng lên hơn 25% và MSN cũng giảm hơn 4,8% trong 1 tuần. Cả hai mã này giảm giá đã khiến giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của các cổ đông lớn tại hai tổ chức này sụt giảm theo.
Hiện ông Hồ Hùng Anh có 984,1 triệu USD còn ông Nguyễn Đăng Quang không còn trong danh sách cập nhật của Forbes.
Các chuyên gia BVSC cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 700-740 điểm trong phiên hôm nay (17/3).
Với việc nhiều nhóm cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán mạnh khiến BVSC kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
Ngoài ra, nửa cuối tuần này sẽ là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 03/2020 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Do đó, thị trường có thể sẽ chịu biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Theo khuyến nghị của BVSC, nhà đầu tư vẫn nên duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu, chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục canh các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
Trong khi đó, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên hạn chế mua đuổi trong các phiên thị trường tăng mạnh; chỉ nên thực hiện mua trading với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ quanh 700 điểm, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.
Mai Chi