Thanh khoản chứng khoán "co hẹp" vào cuối tháng 6. |
Giảm 1,49 điểm tương ứng 0,11% trong phiên cuối cùng của tháng 6/2021, VN-Index lùi về 1.408,55 điểm. VN30-Index cũng thoái lui về 1.529 điểm với mức sụt giảm 0,97 điểm tương ứng 0,06%.
HNX-Index giảm 0,47 điểm tương ứng 0,15% còn 323,32 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05 điểm tương ứng 0,06% còn 90,25 điểm.
Có thể thấy, mức thiệt hại nói trên của các chỉ số là không lớn, nhưng tình thế thị trường đã bị đảo ngược hoàn toàn so với phiên buổi sáng. Đặc biệt là, tâm lý của nhà đầu tư dường như đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thực tế, số lượng mã giảm giá trên thị trường áp đỏa so với số mã tăng.
Có 484 mã giảm giá, 16 mã giảm sàn so với 364 mã tăng, 36 mã tăng trần. Trong đó, một số mã có vai trò dẫn dắt cũng sụt giảm: CTG, TCB, GVR, VHM, PLX, ACB, HPG đã ảnh hưởng đến xu hướng chung.
Cụ thể, hôm qua, CTG giảm 2,2%; TCB giảm 1,5%; TPB giảm 1,5%; STB giảm 1,3%; BVH giảm 1,2%; HDB giảm 1,1%. Bên cạnh đó, PDR cũng giảm 2,6%; PLX giảm 2,5%.
Tuy vậy, chiều ngược lại, MWG vẫn tăng 3,4%; MSN tăng 2,7%; VCB tăng 2,1%; PNJ tăng giá… Như vậy, có thể thấy ngoài những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, dòng tiền cũng đang trú ẩn vào những doanh nghiệp bán lẻ.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 2/3 của những phiên sôi động trước đây.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 595,28 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch là 21.055,86 tỷ đồng; HNX có 323,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.299,89 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 52,38 triệu cổ phiếu tương ứng 965,12 tỷ đồng.
Việc co hẹp thanh khoản và chỉ số giảm trong phiên 30/6 được lí giải chủ yếu do các công ty chứng khoán siết margin, các quỹ đầu tư chốt danh mục (NAV) cuối quý II và nửa đầu năm. Tuy vậy, có thể thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang dâng cao. Nhà đầu tư ưu tiên giữ vị thế tiền mặt thay vì mua mới cổ phiếu.
Theo Công ty chứng khoán Vietinbank (CTS), hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của CTS ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 30/6 tương ứng với diễn biến tăng giá.
Xét trong ngắn hạn T+3, VN-Index cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn đi cùng với sự suy yếu của dư địa tăng điểm hiện tại, đồng thời tiến tới kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm vừa mới hình thành. Diễn biến này được CTS đánh giá là lành mạnh trong bối cảnh yếu tố điều chỉnh là cần thiết giúp VN-Index có thể tiến được xa hơn.
Xét về các diễn biến dài hạn hơn như T+50, nhìn chung VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tăng điểm tích cực trong bối cảnh đường EMA 50 vẫn đang hướng lên trên cùng với việc chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch bên trên đường trung bình động này với ngưỡng hỗ trợ trung hạn tại 1.318 điểm.
Còn theo MBS, thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của đường cản trên kéo dài từ năm 2020, do vậy áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp.
Điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm trong khi đó khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Với phiên giảm nhẹ hôm nay không làm xu hướng tăng của thị trường thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa nhằm tránh áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu bluechip cũng như cổ phiếu trong nhóm VN30.
Mai Chi