Những "gam màu" trái ngược trong bức tranh thị trường ngày 3/11 (Ảnh chụp màn hình).
Bán tháo cổ phiếu bất động sản
3/11 là một phiên giao dịch rất oái oăm của thị trường chứng khoán. Các chỉ số đầu phiên vẫn tăng rất tích cực. Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng trần.
Tuy nhiên, những tín hiệu lạ đã xuất hiện khi VN-Index vượt 1.460 điểm. Kể từ sau 10h, nhiều cổ phiếu dưới áp lực chốt lãi đã mất vị thế giá trần, thậm chí có những mã như DIG, DRH từ vùng giá trần đột ngột lao như chớp xuống giá sàn rồi hồi phục trở lại đầy khó hiểu.
Thị trường vẫn giằng co và đi ngang gần như từ nửa cuối phiên sáng đến nửa đầu phiên chiều. Vào thời điểm sau 14h, lực bán chốt lời tại nhóm cổ phiếu bất động và vật liệu, xây dựng, đầu tư công trở nên mạnh mẽ.
Các cổ phiếu này bị xả cực mạnh do thời gian vừa qua tăng nóng. Cổ phiếu bất động sản trong thời gian gần đây là mơ ước của rất nhiều nhà đầu tư vì tốc độ sinh lợi quá nhanh, thì hôm nay đều bị bán với giá thị trường (lệnh MP), lao dốc về mức sàn trong chớp mắt.
TDH, SGR, NTL, KBC, ITC; HDG, HDC, VPH, TIP, TDC, SZC, NLG… đồng loạt "lau sàn", phần lớn trắng bên mua.
Cổ phiếu ngành vật liệu và xây dựng cũng bị chốt lời hàng loạt, nhiều mã dư bán giá sàn cuối phiên rất lớn, trắng bên mua: TTB; TCD; LCG; HID; VGC; PXS; PHC; NHA; HBC; FCN; DPG; VNE; CTI; BCE đều "khoác áo" màu xanh lơ.
Một phiên giao dịch đầy ám ảnh với những nhà đầu tư lỡ "đua lệnh" dòng bất động sản ở vùng "giá xanh" (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, có thể nói nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu ở các lĩnh vực này dù bán với giá nào họ cũng đều có lãi, thậm chí là vẫn lãi rất đậm vì thời gian vừa qua, nhiều mã đã tăng giá tính bằng lần giúp nhiều nhà đầu tư nhân đôi, nhân ba tài khoản.
Ngược lại, với những nhà đầu tư lỡ mua vào mức giá trần hoặc vùng "giá xanh" ở phiên sáng thì tới phiên chiều hoàn toàn bất lực do đã rơi vào thế "kẹp hàng", phải chờ sau 3 phiên nữa cổ phiếu mới về tới tài khoản. Đây cũng là bài học chưa bao giờ cũ đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước hiệu ứng "fomo" (đua giá, mua bất chấp vì sợ mất phần).
Sắc đỏ và xanh lơ bao trùm thị trường. Thống kê cho thấy có đến 700 mã cổ phiếu trên cả 3 sàn giảm giá, 89 mã giảm sàn, trong khi đó số lượng mã tăng là 378 mã, 37 mã tăng trần.
Áp lực bán trên diện rộng khiến VN-Index giảm 8,16 điểm tương ứng 0,56% còn 1.444,3 điểm; HNX-Index giảm 8,41 điểm tương ứng 1,98% còn 415,71 điểm. Tuy vậy, UPCoM-Index vẫn nhích nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,04% lên 106,98 điểm. Đặc biệt là VN30-Index tăng tới 9,3 điểm tương ứng 0,61% lên 1.530,65 điểm.
Thị trường phân hóa rõ rệt với sắc xanh, tím tập trung tại nhóm tài chính ngân hàng (Ảnh chụp màn hình - Vietstock Finance).
"Đua lệnh" cổ phiếu ngân hàng, thanh khoản kỷ lục trên 51.000 tỷ đồng
Diễn biến ở phiên này thực sự hiếm hoi. Phải rất lâu rồi nhà đầu tư mới chứng kiến bluechips và cổ phiếu trụ kéo thị trường, VN30-Index tăng mạnh trong khi thị trường đi xuống.
Hoạt động chốt lời chủ yếu diễn ra tại nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ. VNMID-Index của dòng midcap giảm 31,23 điểm tương ứng 1,64% và VNSML-Index của dòng cổ phiếu penny giảm 72,5 điểm tương ứng 3,66%.
Trong khi đó, VN30-Index vẫn tăng mạnh dù phân nửa cổ phiếu trong rổ này giảm, đặc biệt là GVR giảm tới 6,7%; KDH giảm 6,3%; VHM giảm 2,5%; PLX giảm 2,4%; BVH giảm 2%. Bù lại, dòng cổ phiếu ngân hàng trở thành "cứu tinh" của thị trường, giữ cho tình trạng bán tháo không xảy ra trên diện rộng.
Cổ phiếu ngân hàng vốn đã tích lũy trong một thời gian dài, đến phiên hôm nay như "lò xo nén" lâu ngày và bật lên rất mạnh. Nhiều mã tăng giá với biên độ lớn, trong đó OCB và LPB tăng kịch trần.
Bên cạnh đó, NAB tăng 8,2%; PGB tăng 7,9%; VBB tăng 6,6%; HDB tăng 6,3%; MSB tăng 6,2%; BVB tăng 5,6%; NVB tăng 5,5%; ABB tăng 5,4%; EIB tăng 4,2%. Các mã lớn như VCB, CTG, BID, TCB cũng tăng giá rất tích cực.
Tiền ào ạt đổ vào cổ phiếu ngân hàng, nhóm này tăng bất chấp thị trường điều chỉnh (Ảnh chụp màn hình).
Thanh khoản tại nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng dâng cao đáng kể. Nhiều nhà đầu tư đã kịp nhanh tay chốt lãi cổ phiếu bất động sản từ sớm để mua vào cổ phiếu ngân hàng ở nhịp điều chỉnh, gặt lãi đậm trong phiên.
Thanh khoản cuối phiên tại OCB lên tới 18,3 triệu cổ phiếu; tại LPB là 21,6 triệu cổ phiếu (dư mua trần hơn 1,6 triệu đơn vị). Số cổ phiếu được khớp trong phiên tại TCB cũng cực khủng với 39,7 triệu cổ phiếu được sang tay; tại MBB là 27,4 triệu cổ phiếu; tại CTG là gần 21 triệu cổ phiếu; tại HDB là 12,7 triệu và tại MSB là 26,5 triệu đơn vị.
Với diễn biến trái ngược: bán tháo tại cổ phiếu bất động sản, vật liệu, xây dựng… và đua lệnh với cổ phiếu ngân hàng, thanh khoản trong phiên hôm nay lập đỉnh lịch sử với giá trị giao dịch vượt 51.000 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ riêng sàn HSX đã có trên 1,5 tỷ cổ phiếu được giao dịch, giá trị giao dịch đạt 43.208,87 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 216,13 triệu cổ phiếu tương ứng 5.175,97 tỷ đồng và trên UPCoM là 168,5 triệu cổ phiếu tương ứng 3.375,13 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn xấp xỉ 51.760 tỷ đồng.
Mai Chi