Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Trần Văn Dũng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 là đại dịch vào đêm 11/3 (theo giờ Việt Nam) đã khiến chứng khoán châu Á, chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm mạnh, tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tại phiên giao dịch ngày 12/3, chỉ số VN-Index giảm 42,1 điểm (-5,19%) xuống 769,25 điểm.
Đánh giá về hiện trạng thị trường, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Trần Văn Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh nằm trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường khu vực và quốc tế.
Cụ thể, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 5,86%; chỉ số S&P500 giảm 4,89%; chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,7% vào ngày 11/3.
Ngày 12/3, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm sâu, trong đó thị trường Thái Lan giảm mạnh nhất (-10%), Nhật Bản giảm 4,41%; Hồng Kông giảm 4,25%; Trung Quốc giảm 1,52%; Hàn Quốc giảm 3,87%; Singapore giảm 3,34%; Malaysia giảm 1,23%; Indonesia giảm 4,12%...
Đáng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục đạt mức cao. Sáng 12/3 có 6.385 tỷ đồng được chuyển nhượng trên 3 sàn cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 438 tỷ đồng trên sàn cổ phiếu, nhưng đã mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên thị trường trái phiếu.
Trên thị trường trái phiếu, thanh khoản cao gấp gần 100% so với bình quân/phiên của năm 2019, đạt 17.895 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, thị trường chứng khoán giữ được thanh khoản tốt cho thấy, bên cạnh tâm lý bán tháo của một bộ phận nhà đầu tư, vẫn có một lượng cầu ổn định, vững vàng mua vào cổ phiếu.
Hiện VN-Index đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2017 và một số quỹ ngoại như PYN Elite đã công khai sẽ mua vào cổ phiếu Việt Nam do sức hấp dẫn đến từ mức định giá rẻ.
Thêm vào đó, việc tung hai gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về cơ bản có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế được ông Dũng cho rằng sẽ có tác động tích cực.
“Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán, trong phạm vi thẩm quyền, Uỷ ban sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.
Nguyễn Mạnh