ACB chuyển sàn với giao dịch "khủng"
Phiên 9/12, gần 2,2 tỷ cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã chính thức được giao dịch trên sàn HSX với giá tham chiếu 26.400 đồng. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.
Trước đó, ACB đã chia tay sàn Hà Nội (HNX) ở mức giá 27.300 đồng trong phiên giao dịch cuối cùng (ngày 1/12). Mức này cao hơn 3% so với giá tham chiếu phiên đầu tiên trên HSX.
ACB trong top thanh khoản cao nhất thị trường
Sau khi chuyển sàn, cổ phiếu ACB được lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFIN Select, VNFIN Lead… theo đó sẽ lọt vào tầm ngắm của các tổ chức nước ngoài, các quỹ ETF.
Phiên "khởi động" của ACB tương đối thuận lợi với khối lượng cao kỷ lục. Cụ thể, phiên đầu tiền giao dịch trên HSX, ACB tăng 2.150 đồng tương ứng 8,14% lên 28.550 đồng. Giao dịch tại mã này "bùng nổ", đạt 24,2 triệu cổ phiếu và là cổ phiếu xếp thứ hai về thanh khoản trên toàn thị trường.
Theo thông tin mới nhất được công bố, tính đến ngày 30/11/2020, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế lũy kế đến hết tháng 11 ước đạt 8.723 tỷ đồng và đã vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Huy động đạt 343.000 tỷ đồng, tăng trưởng là 11,5% và tín dụng đạt 305.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Kể từ sau biến cố liên quan đến vụ bầu Kiên, ACB được dẫn dắt bởi ông Trần Hùng Huy (con trai nhà sáng lập Trần Mộng Hùng).
Ông Trần Hùng Huy
Sinh năm 1978, ông Trần Hùng Huy là chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Chủ tịch ACB thể hiện là một lãnh đạo có phong cách quyết liệt nhưng cũng rất trẻ trung, gần gũi.
Trong các sự kiện của ngân hàng này, để gắn kết nhân viên và tăng tính lan tỏa, ông Huy không ngại đích thân tham gia biểu diễn văn nghệ. Ông cũng là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp hiếm hoi sử dụng Facebook với tương tác tích cực với người theo dõi.
VN30-Index lên cao nhất 2 năm
Phiên giao dịch ngày 9/12 diễn ra một cách thuận lợi ngoài trông đợi của phần lớn nhà đầu tư. Chỉ số chính tăng điểm một cách bền bỉ từ đầu đến cuối phiên, đà tăng xác lập rõ ràng.
Kết phiên, VN-Index tăng 9,87 điểm tương ứng 0,96% lên 1039,13 điểm còn HNX-Index cũng tăng 2,14 điểm tương ứng 1,36% lên 158,74 điểm và UPCoM-Index tăng 0,32 điểm tương ứng 0,47% lên 69,26 điểm.
Thanh khoản duy trì mức cao. Dòng tiền khỏe liên tục đổ vào thị trường, đạt 11.708,06 tỷ đồng trên sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 586,05 tỷ đồng. Trên HNX, thanh khoản đạt 74,42 triệu đơn vị tương ứng 847,15 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 44,45 triệu cổ phiếu tương ứng 615,45 tỷ đồng.
Các chỉ số đồng loạt tăng điểm trong phiên 9/12
Sắc xanh đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh thị trường chung với số lượng 529 mã tăng giá, 65 mã tăng trần so với 296 mã giảm, 24 mã giảm sàn.
Phiên này, cổ phiếu VN30 bùng nổ với 24 mã trong rổ này tăng giá. Đáng chú ý là nhiều cổ phiếu trong số này diễn biến tích cực và nhờ đó VN30-Index tăng 10,42 điểm tương ứng 1,05% lên 1004,03 điểm, mức cao nhất 2 năm của chỉ số này trong 2 năm trở lại.
Cụ thể, VCB tăng 3.400 đồng (tương ứng 3,7%) lên 96.500 đồng/cổ phiếu; PLX tăng 1.600 đồng (tương ứng 3,2%); BID tăng 1.100 đồng (tương ứng 2,6%); VIC tăng 1.000 đồng (tương ứng 1%); TCB tăng 3%, VHM, MWG, VNM đều tăng giá.
Trong số này, VCB đóng góp 3,49 điểm cho VN-Index, BID đóng góp 1,23 điểm; BID đóng góp 0,94 điểm và TCB đóng góp 0,73 điểm. Như vậy, dòng ngân hàng vẫn đang là chủ lực kéo thị trường.
Cổ phiếu các công ty chứng khoán cũng gây chú ý. CTS tăng trần, BSI tăng trần, AGR tăng trần, SSI tăng 3,7%, HCM tăng 3%, VND tăng 0,5%...
Cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục hút dòng tiền và tăng giá mạnh. DLG tăng trần lên 1.430 đồng, khớp lệnh tới 13,41 triệu cổ phiếu, IDI tăng trần lên 6.310 đồng; CIG tăng trần lên 1.840 đồng.
Ngoài ra, GTN cũng tăng mạnh 5,3% lên 25.700 đồng, CTD tăng 4,6% lên 70.000 đồng; ASM tăng 3,5% lên 13.200 đồng; FIT tăng 2,9% lên 10.600 đồng…
Nhiều cổ phiếu tăng giá với giao dịch sôi động. TCH khớp 26,88 triệu cổ phiếu; ACB khớp 24,2 triệu cổ phiếu; TCB khớp 19 triệu cổ phiếu; STB cũng xấp xỉ 19 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Theo nhận xét của các chuyên gia VDSC, chuỗi tăng điểm của thị trường vẫn đang tỏ ra mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu nào gây bất ổn trong hiện tại.
Tuy nhiên với mức tăng tích cực như thế này luôn có hiện tượng chốt lãi ngắn hạn xảy ra làm cho xu hướng thị trường bị khựng lại đôi chút. Do đó, nhà đầu tư cũng cần hạn chế cảm xúc để tránh gặp bẫy tăng giá trong thời điểm hiện nay.
Chuyên gia SHS cũng cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ điều chỉnh trước áp lực chốt lời sẽ tiếp tục gia tăng khi VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.045 điểm.
Theo đó, nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra chốt lời quanh ngưỡng kháng cự 1.045 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.000 điểm (nếu có) để tham gia trở lại.
Mai Chi